Bloomberg đánh giá cao triển vọng của kinh tế Việt Nam sau Đại hội XII

Trong khi các nền kinh tế đang nổi trên thế giới như Nga, Brazil và Trung Quốc đang giảm tốc, mức tăng trưởng kinh tế gần 7% mà Việt Nam đạt được trong năm 2015 sẽ đưa quốc gia này trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Đây là bình luận được trang mạng “Bloomberg.com” đăng tải ngày 24-1.

 
Trang hoàng trên đường Nguyễn Chí Thanh, Quận Cầu Giấy (Hà Nội) chào mừng Đại hội XII của Đảng. Ảnh: Văn Thanh

Theo bài viết, nhu cầu tiêu dùng nội địa và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao là những yếu tố giúp Việt Nam đương đầu với những thách thức từ nguy cơ xuất hiện làn sóng bán tháo chứng khoán và hạ giá tiền tệ trong năm 2015. Bài viết dẫn lời các chuyên gia quốc tế cho rằng “trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm như hiện nay, nhu cầu tiêu dùng nội địa có thể coi là một yếu tố quyết định. Người dân Việt Nam ngày càng lạc quan về tương lai. Xét trên bình diện khu vực và quốc tế, nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ”.

Theo ước tính của Bloomberg, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 có thể tăng trưởng 6,7%, tương đương mức năm 2015. Những nỗ lực gần đây của Ngân hàng Trung ương Việt Nam nhằm điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn cũng đã góp phần tăng tính ổn định cho nền kinh tế vĩ mô, đồng thời giảm bớt áp lực đối với dự trữ ngân hàng. Trong khi đó, theo các số liệu chính thức, tiêu dùng cá nhân trong năm 2015 đã tăng 9,3%. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015 tăng 17,4% so với năm 2014, lên mức kỷ lục 14,5 tỷ USD. Các thị trường chứng khoán cũng thu hút giới đầu tư nước ngoài.

Bài viết dẫn lời nhà kinh tế Eugenia Victorino, thuộc Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand, nhận định “Nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong năm 2016. Tuy nhiên, triển vọng dài hạn phụ thuộc vào những kết quả từ sự thay đổi về mặt chính trị trong 12 tháng tới”.

Ông Victorino dự đoán trong năm 2016 và 2017, Việt Nam có thể trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nhân tố có thể làm chệch hướng tăng trưởng của Việt Nam là thâm hụt thương mại tăng cao, có thể là do khối lượng nhập khẩu hàng tiêu dùng lớn như ô tô.

Theo TTXVN