Làm sâu sắc hơn vai trò lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực

Nhất trí và đánh giá cao chất lượng dự thảo các Văn kiện Trung ương trình Đại hội Đảng lần thứ XII, tham luận của đại biểu đã làm sâu sắc thêm những nội dung của văn kiện trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng hạ tầng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Sáng 22/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng làm việc tại hội trường để thảo luận các văn kiện Đại hội.

Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tham luận.
Ảnh: TTXVN

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Những bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc cần được kế thừa và phát huy mạnh mẽ trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Góp ý với Đại hội về chủ trương, công tác hết sức quan trọng này, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nội dung, phương thức phát huy sức mạnh đại đoàn kết phải được thường xuyên hoàn thiện, bổ sung phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển đất nước qua các giai đoạn. Hiện nay, trong bối cảnh kinh tế thị trường ngày càng phát triển, hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng tăng, thì công tác phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn phải hướng vào mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng và sáng tạo khoa học-công nghệ, hội nhập quốc tế thắng lợi.

Để phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước. Tích cực tuyên truyền, tổ chức học tập Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn hiện nay, để tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với con đường phát triển của đất nước và sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tích cực đóng góp vào việc tham gia xây dựng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để phát huy đầy đủ các lợi thế quốc gia, nhất là lợi thế về con người Việt Nam, tận dụng mọi thời cơ của giai đoạn hội nhập mới và ứng phó chủ động, hiệu quả với các thách thức, đồng thời bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các dân tộc, tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài.

Đồng chí Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng,
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam phát biểu tham luận tại Đại hội.
Ảnh: TTXVN

An ninh, quốc phòng không để bị bất ngờ trong mọi tình huống

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, 5 năm qua, tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, chúng ta phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Cùng với đó là những diễn biến phức tạp mới trên Biển Đông...

Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự điều hành của Chính phủ, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương, Đảng bộ quân đội và toàn quân đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong đó, Đảng bộ quân đội và toàn quân đã chủ động phối hợp với các lực lượng xử lý hiệu quả các tình huống, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Với chủ trương xây dựng quân đội theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, nên đã có bước đột phá về trang bị, góp phần nâng cao sức chiến đấu của quân đội.

Cũng theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển là xu thế chủ đạo nhưng tình hình tiếp tục có những biến động phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định. Trong bối cảnh đó, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển mới, yêu cầu cao và quân đội sẽ tập trung thực hiện tốt chức năng tham mưu về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh; đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ quân đội.

Cùng chung nhận định về bối cảnh, tình hình trong nước và quốc tế, tham luận của đại diện lực lượng Công an, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã tiếp tục đổi mới, triển khai đồng bộ và hoàn thành tốt nhiệm vụ, công tác bảo vệ Đảng, Nhà nước, an ninh trật tự trong đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị, không để bất ngờ trong mọi tình huống; chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước nhiều chủ trương, chính sách, xử lý kịp thời những bất cập, vấn đề nảy sinh. Phòng ngừa, chống tội phạm đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc triệt phá các ổ nhóm tội phạm phức tạp, tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới.

Quán triệt những nội dung trong các văn kiện Trung ương, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, lực lượng CAND đặt ra 5 bài học: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, bám sát thực tiễn để đề ra mục tiêu yêu cầu phù hợp; đổi mới gắn với sáng tạo, phục vụ thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, kết hợp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc; phát huy sức mạnh hệ thống chính trị huy động mọi tầng lớp nhân dân; gắn đổi mới lực lượng công an với xây dựng Đảng, nâng cao năng lực về nghiệp vụ cán bộ, chiến sĩ; mở rộng quan hệ đối ngoại trong phòng chống tội phạm trong bối cảnh hội nhập mạnh mẽ.

Đồng chí Trần Đại Quang Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
phát biểu tham luận. Ảnh: TTXVN

Đổi mới thể chế kinh tế là nhiệm vụ ưu tiên

Tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, nhìn nhận lại thành tựu, kết quả của đất nước thời gian qua “là rất ấn tượng, nhưng chưa thể thỏa mãn”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói trước đây vị thế kinh tế Việt Nam có thể nói là đứng đầu khu vực, nhưng hiện nay, GDP tính theo đầu người của nước ta chỉ ở mức 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 nước láng giềng Thái Lan.

Nước ta phải chịu nhiều khó khăn do phải chiến tranh kéo dài, nhưng cũng đã 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm đổi mới và đây là khoảng thời gian mà những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng bị chiến tranh tàn phá nhưng đã có bước đột phá, từ điểm xuất phát thấp trở thành nước phát triển hàng đầu như hiện nay.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam còn rất ít thời gian và không nhiều những lợi thế truyền thống như cơ cấu dân số, nguồn tài nguyên, lao động rẻ. Vì vậy, “nâng cao năng lực cạnh tranh là yêu cầu bắt buộc nếu muốn thoát khỏi những hạn chế, yếu kém hiện tại”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh góp ý.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh mong muốn sự đổi mới, cải cách thể chế, từ chính trị, quản lý Nhà nước và đặc biệt là sự đổi mới thể chế kinh tế phải được coi là ưu tiên, dựa trên 3 trụ cột. Cụ thể là thịnh vượng phải đi đôi phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tập trung thúc đẩy doanh nghiệp trong nước, nêu cao tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo; tạo sự công bằng và hội nhập bình đẳng cho mọi người, bảo đảm quyền lợi cho những bộ phận yếu thế, dễ tổn thương trong phát triển, coi đây ưu việt của định hướng XHCN; nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước, các thiết chế phải có sự giám sát của người dân, tạo dựng khung khổ pháp lý thúc đẩy quyền công dân, quyền thông tin của người dân.

Đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT
phát biểu tham luận tại Đại hội. Ảnh: TTXVN

Với chủ đề phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, coi đây là yếu tố cần đi trước để tháo gỡ ách tắc, cản trở sự tăng trưởng kinh tế, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng có 4 bài học được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đó là sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải; tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng; nâng cao năng lực các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng.

Nguồn chinhphu.vn