Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh khởi công dự án.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phát biểu tại Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi là một đoạn đường trên tuyến đường Hồ Chí Minh - một con đường có ý nghĩa rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa, phát triển đất nước, là tuyến đường xuyên Việt thứ hai của đất nước ta đi từ Pắc Bó (Cao Bằng) tới mảnh đất tận cùng của Tổ quốc là mũi Cà Mau.
Tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi cũng là con đường mơ ước từ bao đời của đồng bào Kiên Giang, rút ngắn được khoảng cách từ Rạch Giá tới TPHCM; tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông khu vực; góp phần quan trọng vào thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng của Kiên Giang cũng như các tỉnh trong vùng.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao các bộ, ngành hữu quan, các địa phương trong vùng dự án, chủ đầu tư đã nỗ lực chuẩn bị, từ thủ tục đến công tác giải phóng mặt bằng để hôm nay, dự án có đầy đủ các điều kiện, chính thức được khởi công xây dựng.
Ngay sau Lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn các bộ, ngành, địa phương hữu quan, chủ đầu tư, các đơn vị thiết kế, giám sát, thi công nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo, triển khai thực hiện dự án theo đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị khi có trục đường Hồ Chí Minh và nhiều công trình giao thông quan trọng khác được hoàn thiện và đưa vào sử dụng, Kiên Giang, Cần Thơ và các địa phương trong vùng tiếp tục quan tâm, cập nhật, bổ sung quy hoạch, đáp ứng tốt cho các yêu cầu phát triển, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng mong muốn Chính phủ Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, hỗ trợ ODA cho các dự án phát triển hạ tầng của Việt Nam và cho biết, các hoạt động hợp tác hỗ trợ này sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị, đối tác chiến lược Việt Nam-Hàn Quốc.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và kết nối giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau khi hoàn thành, cùng với dự án Kết nối trung tâm đồng bằng Mekong sẽ tạo thành tuyến trục dọc nối thông khu vực kinh tế trọng điểm Tây Nam Bộ.
Dự án trong giai đoạn đầu có tổng mức đầu tư gần 6.694 tỉ đồng, sử dụng 200 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Quỹ hợp tác Phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, tổ chức quản lý thực hiện dự án được Bộ Giao thông vận tải giao cho Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long thực hiện. Dự kiến thời gian thi công và hoàn thành dự án là 30 tháng.
Điểm đầu dự án tại Km 02+104.11 thuộc địa bàn quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ (được kết nối với điểm cuối gói thầu CW3B thuộc Dự án xây dựng cầu Vàm Cống đang xây dựng). Điểm cuối dự án tại Km53+279 thuộc địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang (kết nối với dự án Tuyến tránh Rạch Giá đã hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2014).
Dự án được xây dựng với quy mô tương đương đường cấp III đồng bằng, có 2 làn xe, tiêu chuẩn hình học phù hợp với đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng chiều dài là 53,34 km. Trong giai đoạn hoàn chỉnh, sẽ đầu tư mở rộng với quy mô đường cao tốc 6 làn xe, theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h, bề rộng nền đường là 33 m.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm hỏi bà con nhân dân nơi có con đường đi qua.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là một tuyến đường chính, đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đường bộ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có chức năng quan trọng trong việc kết nối giữa TPHCM và các tỉnh khác của Tứ giác Long Xuyên cũng như Quốc lộ 1.
Trong tương lai, dự án sẽ trở thành tuyến trục dọc thứ hai (chuyển và giảm tải cho Quốc lộ 1) từ Củ Chi, TPHCM theo tuyến N2 kết nối tới cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống và tuyến đường hành lang ven biển phía Nam, tạo nên một tuyến đường thuận tiện từ TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ, đến Kiên Giang và Cà Mau; thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực phía tây Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Cùng với các dự án trong khu vực, khi dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi hoàn thành sẽ hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng khu vực, đồng thời làm tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường liên vận quốc tế là đường hành lang ven biển phía nam nối liền Campuchia và Thái Lan.
Việc kịp thời đầu tư xây dựng tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi và dự án sớm hoàn thành sẽ tạo thuận lợi cho việc giao lưu hàng hóa giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, là động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Nam Bộ và của cả nước. Đồng thời, công trình này cũng là một dấu ấn quan trọng khẳng định sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Nguồn chinhphu.vn