Sáng ngày 14-1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 44 cho ý kiến về dự án Luật Tiếp cận thông tin.
Đa số các ý kiến bày tỏ thống nhất với quy định về “thông tin được cung cấp là thông tin do mình tạo ra”, không nên mở rộng quy định cơ quan Nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin do mình tạo ra hoặc do nhận được.
Theo đó, các ý kiến này cho rằng, điều quan trọng là cần làm rõ loại thông tin cơ quan nắm giữ, đồng thời, có hình thức tổ chức, bố trí thực hiện việc cung cấp thông tin cho người dân phù hợp nhằm bảo đảm hiệu quả quyền tiếp cận thông tin của công dân.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, người điều hành phiên họp, đề nghị: “Ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa theo hướng quy định rõ những loại thông tin nào mà công dân, cơ quan tổ chức được quyền tiếp cận, thông tin nào bị cấm, không được tiếp cận; nguyên tắc tiếp cận thông tin đi liền với trình tự, thủ tục, thời hạn và trách nhiệm của cả hai bên cung cấp và tiếp nhận thông tin”.
Về chủ thể cung cấp thông tin, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết đây là vấn đề vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa Ủy ban này với cơ quan soạn thảo là Bộ Tư pháp. Ông Lý đề nghị ngoài cơ quan Nhà nước thì cần quy định cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng ngân sách nhà Nước phải cung cấp thông tin khi có yêu cầu từ công dân.
“Những thông tin này cũng rất cần công khai, minh bạch để công dân tiếp cận nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và lợi ích hợp pháp của Nhà nước. Hiện nay, trong Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã quy định mở rộng đến các chủ thể này. Hơn nữa, việc mở rộng chủ thể cung cấp thông tin bao gồm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong Luật này - đạo luật cơ bản, chuyên ngành về quyền tiếp cận thông tin của công dân - là phù hợp với yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế”, ông Phan Trung Lý nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng chỉ nên quy định cơ quan quản lý Nhà nước có quyền cung cấp thông tin, còn mở rộng ra các đối tượng khác thì đều đã có quy định tại các luật, văn bản pháp luật khác. Hơn nữa, các đơn vị này đều do cơ quan Nhà nước tạo ra và quản lý. “Ta mới thực hiện quyền tiếp cận thông tin thì cần như vậy là đủ rồi”, ông Cường nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nghiêng về ý kiến của Ủy ban Pháp luật, nên mở rộng chủ thể cung cấp thông tin ra cả các tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước có sử dụng ngân sách Nhà nước.
Liên quan tới các nội dung bí mật của Nhà nước trong thực thi quyền được tiếp cận thông tin của công dân, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết đã có quy trình giải mật và trong dự án luật này cũng quy định tới nội dung này. “Khi tài liệu được giải mật mà công dân yêu cầu cung cấp thì cơ quan có trách nhiệm phải cung cấp”, ông Hà Hùng Cường cho biết.
“Ngoài ra, trong dự án luật này cũng quy định ở cấp độ nào thì công dân sẽ được tiếp cận các thông tin mật ở các lĩnh vực để phục vụ cho nghiên cứu”, theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng e ngại lâu nay các cơ quan Nhà nước “có quyền đóng dấu mật thì đóng dấu mật vào tài liệu” và đề nghị “trong dự án Luật Tiếp cận thông tin, phải nói rõ loại văn bản nào thì không được đóng dấu mật, những thông tin nào không được đóng dấu mật. Nếu để cửa cho người ta đóng dấu mật thì làm gì mà tiếp cận thông tin được nữa. Còn thông tin quân sự, công an, tình báo thì phải quy định là mật luôn”.
Nguồn chinhphu.vn