Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của BHXH Việt Nam
Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành.
Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và cá nhân theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước chuyển sang để chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức chi trả lương hưu; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp ốm đau; trợ cấp thai sản; trợ cấp mất sức lao động; trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp tử tuất; chi phí khám, chữa bệnh đầy đủ, thuận tiện, đúng thời hạn; tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức chi trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, đóng bảo hiểm y tế cho người được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bao gồm: Quỹ hưu trí và tử tuất; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật...
Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam
Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam (Hội đồng quản lý) giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, giám sát hoạt động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và tư vấn về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Hội đồng quản lý gồm đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam và thành viên khác do Chính phủ quy định.
Hội đồng quản lý có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý là 5 năm.
Cơ cấu tổ chức
Cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam ở trung ương gồm 24 đơn vị: 1- Vụ Tài chính - Kế toán; 2- Vụ Hợp tác quốc tế; 3- Vụ Thanh tra - Kiểm tra; 4- Vụ Thi đua - Khen thưởng; 5- Vụ Kế hoạch và Đầu tư; 6- Vụ Tổ chức cán bộ; 7- Vụ Pháp chế; 8- Vụ Quản lý đầu tư quỹ; 9- Vụ Kiểm toán nội bộ; 10- Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; 11- Ban Thực hiện chính sách bảo hiểm y tế; 12- Ban Thu; 13- Ban Sổ - Thẻ; 14- Ban Dược và Vật tư y tế; 15- Văn phòng (có đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh); 16- Viện Khoa học bảo hiểm xã hội; 17- Trung tâm Truyền thông; 18- Trung tâm Công nghệ thông tin; 19- Trung tâm Lưu trữ; 20- Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc; 21- Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Nam; 22- Trường Đào tạo nghiệp vụ bảo hiểm xã hội; 23- Báo Bảo hiểm xã hội; 24- Tạp chí Bảo hiểm xã hội.
Số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam không quá 3 người.
Tổng Giám đốc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, biên chế, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc và quy định kinh phí hoạt động của Bảo hiểm xã hội tỉnh. Số lượng Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh không quá 3 người, riêng đối với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội không quá 4 người.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện; Tổ trưởng, Phó Tổ trưởng các Tổ nghiệp vụ thuộc Bảo hiểm xã hội huyện theo tiêu chuẩn chức danh và quy trình bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành. Số lượng Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện không quá 3 người.
Sóc Trăng có Phó Chủ tịch mới
Tại Quyết định 2538/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Ngô Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Hằng năm giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người
Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu đến năm 2020, trung bình hằng năm, giảm 5% tần suất tai nạn lao động chết người.
Chương trình cũng đặt mục tiêu trên 50% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ bị các bệnh nghề nghiệp phổ biến được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; trên 70% doanh nghiệp lớn và 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ cao về bệnh nghề nghiệp thực hiện quan trắc môi trường lao động.
Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; 80% số người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động người làm công tác y tế; 90% số an toàn, vệ sinh viên trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.
Nội dung chính của Chương trình gồm các hoạt động: Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc; tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về an toàn vệ sinh lao động.
Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ
Để thực hiện Chương trình, cần tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý an toàn, vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động.
Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các quốc gia tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động; thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; nghiên cứu đề xuất chính sách bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp linh hoạt.
Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ và các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình.
Nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động
Về thông tin, tuyên truyền, tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền để người sử dụng lao động, người lao động và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan tham gia triển khai và hưởng ứng các hoạt động của Chương trình; tiếp tục đổi mới nội dung và đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về công tác an toàn, vệ sinh lao động.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động để phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, trong các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (khai thác và chế biến khoáng sản, luyện kim, hoá chất, xây dựng và một số ngành, nghề khác).
Hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án cấp bách
Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ 1.072 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 cho các địa phương và Bộ Giao thông vận tải để thực hiện dự án đê, kè, khắc phục hậu quả thiên tai, dự án an ninh quốc phòng và dự án quan trọng khác.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, số liệu báo cáo sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 theo đúng quy định; thông báo danh mục dự án được hỗ trợ vốn cho Bộ Giao thông vận tải và các địa phương theo nội dung tại các văn bản số 16268/BTC-ĐT ngày 3/11/2015 và văn bản số 18968/BTC-ĐT ngày 21/12/2015.
Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh được hỗ trợ bổ sung vốn chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng số vốn được hỗ trợ đúng mục đích, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật; chủ động sử dụng ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện dự án, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Quy chế hoạt động của BQL Khu Đại học Phố Hiến
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên.
Quy chế này quy định hoạt động của Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên (Ban Quản lý) và quan hệ công tác với Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên, các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ được giao theo quy định.
Ban Quản lý chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các bộ, ngành quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý Khu Đại học Phố Hiến (Khu Đại học).
Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 2, Quyết định số 392/QĐ-TTg ngày 29/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến tỉnh Hưng Yên. Một số nhiệm vụ cụ thể như tham mưu, xây dựng và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi với Khu Đại học phù hợp với điều kiện phát triển thực tế trong từng thời kỳ và quy định của pháp luật để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh và các Bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư phát triển Khu Đại học theo thẩm quyền. Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan xây dựng Quy chế phối hợp làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan liên quan để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng quy định về tiêu chí, điều kiện lựa chọn các cơ sở đào tạo, nghiên cứu vào Khu Đại học để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; sử dụng nguồn vốn từ việc đấu quyền sử dụng đất theo đúng quy định pháp luật; thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung và vận hành Khu Đại học.
Đồng thời, thực hiện quy định pháp luật và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh, các Bộ, ngành liên quan trong tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng Khu Đại học trình Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định và phê duyệt; điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt của Khu Đại học nhưng không làm thay đổi chức năng sử dụng đất và cơ cấu quy hoạch, trước khi điều chỉnh phải được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận về chủ trương điều chỉnh; công bố công khai quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trong khu vực được giao quản lý. Giới thiệu địa điểm, cung cấp thông tin quy hoạch được thực hiện đồng thời cùng với thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân tỉnh trong khu vực quản lý đã có quy hoạch chi tiết được duyệt.
Thẩm định và phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng đối với các công trình xây dựng trong khu vực quản lý đã có quy hoạch chi tiết được duyệt; cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình trong phạm vi ranh giới đất được giao theo phân cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh. Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới Khu Đại học đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tài chính, tài sản, ngân sách được giao; thu, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí theo quy định của pháp luật; nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư xây dựng và phát triển Khu Đại học.
Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và theo sự phân công, uỷ quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý cán bộ.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban Quản lý Khu Đại học Phố Hiến do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm và quy định các chế độ, chính sách liên quan theo quy định của pháp luật.
Bổ sung nhà máy sản xuất polypropylen từ propan vào quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương bổ sung Dự án nhà máy sản xuất polypropylen (PP) từ propan công suất 400.000 tấn PP/năm tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do PVGas làm chủ đầu tư vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến 2025.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì hoàn thiện thủ tục bổ sung dự án trên vào Quy hoạch phát triển ngành Dầu khí Việt Nam theo quy định.
Bộ Công Thương chỉ đạo PVN và PVGas thực hiện các bước tiếp theo theo quy định; PVN xử lý các vướng mắc để triển khai đầu tư xây dựng dự án, bảo đảm tuân thủ các quy định hiện hành.
Văn phòng Chính phủ