Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại tỉnh An Giang

Sáng 4/1, đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh An Giang về phát triển kinh tế- xã hội, chống buôn lậu và tội phạm, cải cách hành chính, bảo đảm quốc phòng-an ninh, an sinh xã hội...

 

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng An Giang là tỉnh lớn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của khu vực và đất nước với nhiều mặt hàng thế mạnh, nhất là lúa gạo và thủy sản.

Tỉnh đã đề ra các định hướng lớn để phát triển, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo có chuyển biến, các lực lượng chống buôn lậu đã phối hợp tốt để từng bước kiềm chế buôn lậu, cải cách hành chính đang là điểm sáng trong khu vực...

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh An Giang nỗ lực thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra. Đó là, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương, khai thác mạnh hơn lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; huy động các nguồn lực tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, tạo nền tảng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của An Giang bằng mức trung bình của cả nước, đến năm 2020, quy mô nền kinh tế nằm trong nhóm khá ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng lưu ý An Giang cần tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên cơ sở thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh chương trình khởi nghiệp; tạo môi trường và thể chế để thu hút các nguồn lực trong đầu tư phát triển; nghiên cứu một số vấn đề lớn, như việc đón bắt các cơ hội khi hội nhập trong thời gian tới, tập trung cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Các lực lượng an ninh quốc phòng không được để bất kỳ tình huống bị động, bất ngờ nào xảy ra trên địa bàn.

Về công tác chống buôn lậu, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung cao độ các lực lượng chuyên trách trên cơ sở phải siết chặt đội ngũ, xây dựng lực lượng nòng cốt, đánh mạnh vào băng nhóm, ổ nhóm, đường dây buôn lậu, phối hợp nhưng cũng giám sát lẫn nhau để chống tiêu cực, tham nhũng, bảo kê cho buôn lậu; huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của nhân dân, xác định địa bàn trọng điểm và thủ đoạn của tội phạm buôn lậu, các cấp chuẩn bị đầy đủ hàng hóa bảo đảm cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị và cá nhân trong việc để hàng hóa buôn lậu thẩm lậu vào trong nước.

Tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19/2015/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính theo phương châm công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi tiếp xúc với cơ quan hành chính, đẩy mạnh cải cách chế độ công chức công vụ, hoàn thành xây dựng vị trí việc làm với cán bộ, viên chức cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, chuẩn bị chu đáo công tác bầu cử Quốc hội và HĐND trong năm 2016...

Đối với các kiến nghị về kinh tế-xã hội của tỉnh, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành tổng hợp, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Việt Hiệp, năm 2015, kinh tế-xã hội tỉnh An Giang tiếp tục phát triển ổn định với 17/24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%, đến cuối năm 2015 có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kim ngạch xuất khẩu đạt 930 triệu USD...

Trong công tác cải cách hành chính, theo kết quả xếp hạng của Bộ Nội vụ, tỉnh An Giang xếp 11/63 tỉnh, thành phố; đứng thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiệm kỳ tới, tỉnh xác định cải cách hành chính là một trong 3 khâu đột phá với phương châm: "Trách nhiệm, một cửa, thân thiện". Trong đó, xác định cán bộ là khâu then chốt thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ; xác định thủ tục hành chính là khâu đột phá của chương trình cải cách hành chính...

An Giang đã làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo; tiếp tục thực hiện chương trình cải cách hành chính và chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ, góp phần cải thiện, nâng cao chỉ số cải cách hành chính (Par Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Các lĩnh vực quốc phòng và an ninh tiếp tục được giữ vững, trật tự xã hội được ổn định, tình trạng vi phạm an toàn giao thông được kiềm chế khá tốt...

Về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016, tỉnh An Giang đề ra một số chỉ tiêu chủ yếu, gồm: Tổng sản phẩm của tỉnh (GRDP) tăng 6,5%; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,050 tỉ USD; tổng thu ngân sách trên địa bàn khoảng 4.475 tỉ đồng; lao động qua đào tạo đạt 38%; tỉ lệ hộ nghèo còn 1,5%. Dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 70%, có 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Nguồn www.chinhphu.vn