TS. Trương Tiến Hưng
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Có thể thấy tư tưởng ấy của Bác được thể hiện qua 3 nhóm vấn đề sau:
1. Xuyên suốt trong hệ tư tưởng Hồ Chí Minh là quan điểm coi trọng địa vị làm chủ của Nhân dân, là tư tưởng “thân dân”, “vì dân”. Người từng khẳng định rõ ràng rằng: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân” “Mọi quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Do đó, trong lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh thực hiện nhất quán quan điểm quyền lực nhà nước cũng thuộc về Nhân dân và phục vụ cho lợi ích của Nhân dân. Trong thực hiện quyền lực nhà nước, Người thường dùng khái niệm “ủy thác” để nói đến việc Nhân dân trao một phần quyền lực của mình cho nhà nước. Quyền lực của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, từ Chủ tịch nước đến cán bộ xã đều do Nhân dân “ủy thác” cho. Khi hết một nhiệm kỳ, Chính phủ sẽ phải trao lại quyền cho Nhân dân và Nhân dân sẽ trao quyền ấy cho một Chính phủ ở nhiệm kỳ mới do dân “tuyển cử”. Các khái niệm “ủy thác”, “giao quyền” ấy là sự khẳng định địa vị làm chủ của Nhân dân, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.
Ảnh tư liệu.
Xuất phát từ quan điểm coi trọng địa vị làm chủ của Nhân dân, nên để xây dựng hệ thống quyền lực nhà nước, Hồ Chí Minh chủ trương tổ chức thực hiện phổ thông đầu phiếu. Do đó, chỉ một ngày sau khi đọc Bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi đề nghị tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu”. Người khẳng định thêm: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt giống nòi đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động được thực hiện quyền thống trị của mình”.
Chế độ phổ thông đầu phiếu là một chế độ bầu cử dân chủ, nhưng không phải bất kỳ một nhà nước non trẻ nào cũng mạnh dạn áp dụng, đặc biệt là trong điều kiện khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc” như nhà nước ta sau cách mạng Tháng Tám. Tuy nhiên, tin tưởng vào ý thức giác ngộ cách mạng và sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Về mặt chính trị thì Nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức mạnh như một viên đạn”.
2, Theo Hồ Chí Minh, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân có từ cả hai phía. Một là, quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân cũng có nghĩa bộ máy nhà nước phải phục tùng ý chí của Nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Do đó, Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Là đầy tớ chung của dân, từ Chủ tịch toàn quốc đến làng. Dân là chủ thì Chính phủ phải là đầy tớ” Thậm chí Người còn nói: “Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ” và “Nhân dân có quyền bãi miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân.