Hội nghị Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 28-12, Hội nghị của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến giữa trụ sở Chính phủ với 63 địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích, thảo luận vào 2 báo cáo chính được trình bày tại Hội nghị là Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 (do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày) và Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 (do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày).

Thủ tướng cho biết dự thảo Nghị quyết đã được xây dựng trên tinh thần cụ thể hóa Kết luận của Trung ương, của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, qua đó đã đề ra 9 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn với hàng trăm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể cũng như đề ra các yêu cầu trong tổ chức thực hiện.

 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại biểu tập trung phát biểu, đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết; bảo đảm Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 được ban hành bám sát Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, thực sự đúng, sát với thực tế tình hình kinh tế - xã hội của đất nước để làm sao đất nước bước vào thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 sẽ đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được đề ra cho năm 2016, tạo điều kiện, tiền đề để thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2016-2020 mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII sắp tới sẽ đề ra.

“Ý kiến phát biểu của các đồng chí sẽ được Chính phủ xem xét, tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện và sẽ ban hành Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 để triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2016” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

 
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ý kiến của các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương thống nhất cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, giá tiêu dùng tăng thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước, tăng 0,6% so với tháng 12/2014, là mức tăng thấp nhất trong 15 năm qua.

Kinh tế tiếp tục đà phục hồi với mức tăng trưởng GDP năm 2015 ước đạt 6,68%, cao nhất trong vòng 8 năm qua, vượt mục tiêu đề ra, tạo đà cho sự phát triển 5 năm tới.

Sản xuất công nghiệp có mức tăng cao hơn nhiều so với các năm trước, là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả nước. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đầu tư. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển, sức mua và tổng cầu được cải thiện đáng kể.

Cơ cấu lại nền kinh tế đạt được nhiều kết quả; môi trường đầu tư kinh doanh, chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu được cải thiện đáng kể; hoạt động phát triển doanh nghiệp trong nước chuyển biến tích cực. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được cải thiện.

Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả tích cực; tiềm lực quốc phòng an ninh được tăng cường, đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tại hội nghị.

Bên cạnh những thành tựu trên, vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị do thời tiết kém thuận lợi, nhu cầu và giá giảm. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm (giảm 3,5% so với năm 2014) và nhập siêu của khu vực này tăng cao (nhập siêu 20,23 tỷ USD). Một số Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện còn chậm, chưa quyết liệt việc cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19 (2015). Cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ngoài ngành vẫn còn chậm so với tiến độ đề ra, chỉ đạt gần 90% kế hoạch…

Tại Hội nghị, ý kiến của đại diện các địa phương thể hiện sự nhất trí cao với Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2016.

Bên cạnh đó, các địa phương đóng góp một số ý kiến đối với các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong năm tới, đưa ra các kiến nghị đối với một số vấn đề cụ thể của địa phương.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương phối hợp với TP Hà Nội xây dựng lộ trình hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh lượng phương tiện ở Hà Nội gia tăng mạnh. Bình quân hàng tháng, Hà Nội có đăng ký mới 18.000- 22.000 xe máy, 6.000-8.000 xe ô tô. Với tốc độ này, chưa tính đến 2018 các dòng thuế liên quan đến ô tô được miễn giảm sẽ tăng lên, đến 2020, Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ô tô, chưa kể ô tô của các lực lượng vũ trang và các tỉnh vào Hà Nội và sẽ có 7 triệu xe máy. “Chỉ cần với tốc độ như hiện nay nếu không có ngay giải pháp thì 4 - 5 năm nữa vấn đề giao thông sẽ rất phức tạp”, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ rà soát, phê duyệt qui hoạch thoát lũ; qui hoạch hệ thống đê điều sông Hồng và sông Thái Bình để các địa phương căn cứ quản lý theo qui hoạch và khai thác các vùng đất ngoài đê.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kiến nghị đẩy mạnh tuyên truyền về các hiệp định thương mại tự do một cách đồng bộ, thường xuyên; kịp thời ban hành chính sách tạo điều kiện, sự chủ động cho doanh nghiệp...

"Cần nghiên cứu đẩy nhanh hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá, trợ cấp và tự vệ cho các ngành công nghiệp còn non trẻ trước áp lực hàng ngoại nhập", lãnh đạo TP.HCM phát biểu, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể như kiến nghị ưu tiên nguồn vốn ODA cho các dự án lớn trên địa bàn TP như tuyến xe bus nhanh, nạo vẹt luồng Xoài Rạp, một số đường hướng tâm quan trọng; quy định mức dư nợ vay của ngân sách đia phương không bao gồm dư nợ vay của nước ngoài; nâng giới hạn vay nợ của Hà Nội và TP HCM cho phù hợp; xem xét điều chỉnh Nghị định 93 của Chính phủ về phân cấp một số lĩnh vực cho TP…

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn cho địa phương triển khai các dự án chống hạn trong bối cảnh diễn biến thời tiết được dự báo còn khắc nghiệt, El Nino tác động mạnh đến Việt Nam, hạn hán sẽ còn tiếp diễn… Bình Thuận kiến nghị có chính sách đặc thù để phát triển điện gió khi tỉnh hướng tới là trung tâm điện gió của cả nước. Tỉnh Yên Bái kiến nghị rà soát lại các chính sách về an sinh xã hội sau khi Chính phủ ban hành chuẩn nghèo đa chiều. Thành phố Đà Nẵng kiến nghị sớm thông qua Nghị định về Thành phố để tạo thuận lợi cho Đà Nẵng trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Ngày mai, 29/12, Hội nghị Chính phủ với các địa phương tiếp tục diễn ra. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ phát biểu kết luận Hội nghị.

Nguồn Văn phòng Chính phủ