(NTO) Cơn mưa rả rích kéo dài cả ngày Chủ nhật (20/12) tuần vừa rồi đã làm cho nhiều vùng trong tỉnh bị ngập nước, riêng trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm cũng ảnh hưởng khá nặng, nhất là trên tuyến đường “huyết mạch” 21 Tháng 8 của thành phố đã có đến 3 điểm “đen” lưu cửu: đoạn trước Tỉnh đội, đoạn giáp đường Lê Duẩn (Ngã 5 Phủ Hà) và đoạn trước Tỉnh đoàn. Ngập “bình thường” không nói gì, cao điểm nước dâng lên đến gần nửa mét làm cho các phương tiện lưu thông rất khó khăn, chủ yếu là xe gắn máy hoặc “khổ chủ” tắt máy lội nước dắt bộ hoặc... “ráng” chạy để rồi cũng phải đẩy đến tiệm sửa xe nhờ thợ “can thiệp” mới nổ máy được do nước ngập sâu làm tắt máy... Tôi không “dũng cảm” chạy xe qua chỗ ngập mà tấp vào mái hiên nhà dân để vừa tránh mưa, vừa chờ nước rút mặc dù cũng rất sốt ruột vì mưa dai, nước rút chậm. Trong lúc “tiến thoái lưỡng nan” thì một tốp các bạn trẻ cũng tấp vào...trú mưa.
Nước mưa ngập sâu trước trước cổng Tỉnh đoàn vào ngày 20-12. Ảnh: Sơn Ngọc
Một trong số họ than phiền:
- Tưởng xứ khô nóng Phan Rang không bao giờ bị ngập nước nhưng mới mưa thì đường đã... ngập, chẳng khác gì TP. Hồ Chí Minh. Một bạn khác đồng thanh: - Ôi dào, mưa nơi nào mà chẳng ngập!. Nhưng sao vậy nhỉ?...
Hóa ra nhóm bạn trẻ kia là du khách đến thăm thú Phan Rang nhưng do khi đi không chú ý theo dõi dự báo thời tiết nên bị…mắc mưa!. Họ phàn nàn nhưng cũng có cái hay là giúp họ có thêm cảm nhận về một vùng đất vốn “thiếu mưa thừa nắng” này. Tuy nhiên, tôi cứ suy nghĩ mãi câu hỏi của một bạn trẻ: Vì sao cứ mưa là ngập!.
Trên tuyến đường 21 Tháng 8 với các điểm “đen” như đã nêu 2 năm gần đây đã được cải thiện đáng kể nhờ hệ thống thoát nước được đầu tư lắp đặt nên nước tuy ngập nhưng rút khá nhanh so với trước đây phải mất ít nhất là vài ngày sau mưa mới khô nước được. Thế nhưng vì sao không chấm dứt được tình trạng cứ ngập cục bộ như vậy trong khi đâu có bị “triều cường” như TP. Hồ Chí Minh làm nước dâng cao không có chỗ thoát!. Suy ra, điều cơ bản vẫn là khâu chuẩn bị “đón mưa” của đơn vị chức năng chưa tốt bởi qua nhiều tháng mùa khô, chỉ có gió và cát bay, có thể các hố ga, đường cống bị tắc do đất cát, rác lấp. Cũng có thực tế là người dân sống lân cận các cống thoát nước quá “thờ ơ” nên để rác các loại lấp hố ga cống thoát làm cho nước mưa tắc nghẽn nên dâng lên ngập. Giá như người dân có trách nhiệm thấy có mưa là phụ mỗi người một tay khai thông cống thoát có lẽ sẽ góp phần giảm ngập chăng!. Suy đoán chủ quan là vậy, còn câu trả lời chính xác nhất xin dành cho lãnh đạo thành phố và cơ quan, đơn vị chức năng. Thiết nghĩ, giải tỏa các “điểm đen” ngập nước đã nêu cũng là thực hiện làm sạch, đẹp thành phố vậy!.
TD