Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Việt-Nga thống nhất đẩy mạnh hợp tác kinh tế-thương mại

Ngày 16/12, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Igor Ivanovic Shuvalov, hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Liên bang Nga về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật.

Trong không khí cởi mở, tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã rà soát lại việc thực hiện Biên bản của Khóa họp 17 Ủy ban liên Chính phủ diễn ra tháng 9/2014 tại Vladivostok và đề xuất các biện pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương trong thời gian tới.

Hai bên đánh giá, trên cơ sở quan hệ chính trị phát triển tốt đẹp và có mức độ tin cậy cao, hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư giữa hai nước đã và đang phát triển năng động. Các dự án hợp tác trọng điểm cơ bản được triển khai tốt, đạt được những kết quả tích cực.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 10/2015, Nga có 113 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng số vốn 2 tỉ USD, đứng thứ 17/101 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Hiện Nga cũng đứng thứ 3 trong số nước và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với 20 dự án và tổng số vốn đầu tư 2,5 tỉ USD.

Về kim ngạch thương mại song phương, do một số khó khăn nên đang có chiều hướng giảm sút, năm 2014 đạt khoảng 2,5 tỉ USD, 10 tháng năm 2015 đạt khoảng 1,8 tỉ USD.

Hai bên thống nhất đẩy nhanh việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu để thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước thuộc Liên minh nói chung cũng như hợp tác song phương Việt-Nga nói riêng. Trong đó, có việc tạo thuận lợi về thuế, thủ tục cho hàng hóa sang thị trường của nhau như nông sản, dệt may...

Về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, hai bên tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến việc triển khai Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I, các dự án trong lĩnh vực dầu khí và điện. Hai Phó Thủ tướng bày tỏ hài lòng về hoạt động hiệu quả của các liên doanh dầu khí Việt-Nga, mong muốn hai bên tiếp tục phát huy và mở rộng sang các dự án mới trên thềm lục địa Việt Nam, lãnh thổ Liên bang Nga và nước thứ ba.

Hai Đồng chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ cũng dành thời gian để trao đổi, thống nhất các biện pháp thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực khác như hàng không, công nghiệp ô tô, khai khoáng, tài chính ngân hàng, thông tin truyền thông, khoa học - công nghệ, giáo dục đào tạo.

Kết thúc hội đàm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Igor Shuvalov đã tiến hành ký kết Biên bản cuộc gặp, ghi nhận những kết quả đạt được và cam kết các bước triển khai thỏa thuận, thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển thanh toán điện tử từ việc thay đổi thói quen của người dân

Tại Diễn đàn Thanh toán điện tử Việt Nam 2015 (VEPF 2015), khai mạc sáng 16/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam, bên cạnh chính sách, công nghệ thì yếu tố rất quan trọng là tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch điện tử.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, với trên 120 triệu thuê bao di động (trong đó thuê bao di động 3G chiếm khoảng 30%) và trên 40 triệu người sử dụng Internet, 34% trong đó truy nhập Internet bằng các thiết bị di động, những năm qua phương thức giao dịch điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh, được đánh giá là rất có tiềm năng.

Trao đổi tại diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết: Năm 2014, khi Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, một trong những lý do, niềm tin các bộ, ngành có thể thực hiện được mục tiêu giảm hàng trăm giờ nộp thuế, bảo hiểm, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu chính là đẩy mạnh thanh toán điện tử.

Bên cạnh đó, hiện người dân có rất nhiều giao dịch trực tiếp với Nhà nước như nộp thuế hoặc những giao dịch với những DN cung cấp dịch vụ công như điện, nước, thanh toán bảo hiểm, khám chữa bệnh... là thị trường rất lớn cho giao dịch, thanh toán điện tử phát triển.

Thậm chí một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy nếu một nền kinh tế sử dụng 90% thanh toán điện tử thì GDP sẽ tăng thêm khoảng 1%.

Tuy nhiên, dù có những ưu điểm, thuận lợi, tiềm năng lớn nhưng thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn chưa phát triển được như kỳ vọng. “Không kể những văn bản, quy định đầu tiên về thanh toán không dùng tiền mặt từ những năm 1960, đến năm 2005 chúng ta đã có Luật Giao dịch điện tử, sau đó là quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử, cùng hàng loạt quyết định, nghị quyết, các đề án về Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, về cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển thương mại điện tử... nhưng đến hôm nay nhìn lại phải thừa nhận thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng tiềm năng còn rất lớn. Thanh toán điện tử còn thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng, kể cả giữa Chính phủ với DN, Chính phủ với người dân, DN với người dân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá và đặt vấn đề: Tại sao thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn thấp như vậy, phải chăng do thói quen?

Khẳng định sự mong muốn, ủng hộ của Chính phủ cũng như độ sẵn sàng về điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, Phó Thủ tướng nhấn mạnh điểm mấu chốt đối với phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam chính là tuyên truyền, có cơ chế khuyến khích người dân thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán điện tử.

“Khuyến khích này không chỉ từ chính sách cụ thể của cơ quan chức năng để giảm thanh toán tiền mặt, hay giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen dần với thanh toán điện tử”, Phó Thủ tướng mong muốn và tin tưởng “với sự chung tay của tất cả các cơ quan, bộ ngành, DN, thanh toán điện tử sẽ trở nên quen thuộc, thuận tiện hơn. Từ đó không chỉ giúp đất nước phát triển nhanh hơn mà còn góp phần làm minh bạch, chống tham nhũng, lãng phí”.