Rèn luyện tác phong công nghiệp cho người lao động

(NTO) Rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động (NLĐ) là việc làm hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, giúp doanh nghiệp (DN) tồn tại, phát triển, nhất là trong xu thế hội nhập như hiện nay. Tuy nhiên, nhiều DN, người sử dụng lao động vẫn chưa quan tâm, thực hiện tốt việc làm này...

Là chủ DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông N.V.M., phường Thanh Sơn (Tp.Phan Rang- Tháp Chàm), có đội ngũ lao động khá đông, trong đó có nhiều lao động phổ thông. Tuy nhiên, ông M. luôn than thở, lao động của mình thiếu ý thức tổ chức kỷ luật: Dù đã làm việc lâu năm, nhưng mỗi khi được gọi đi công trình, nhiều công nhân xin trì hoãn. Trong quá trình làm việc thỉnh thoảng lại xin nghỉ với lý do bận rộn việc đồng áng, gia đình hoặc làm việc không tích cực, rề rà, thường xuyên tụm năm, tụm bảy trò chuyện… nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Còn anh L.V.H, giám đốc một công ty dịch vụ du lịch, nhà hàng trên địa bàn Tp.Phan Rang- Tháp Chàm, lại chia sẻ: Hoạt động đã nhiều năm nay, nhưng chưa có lúc nào số nhân viên được duy trì ổn định, vì NLĐ thường xuyên tự ý nghỉ việc. Nhiều lúc không tuyển được nhân viên có nghiệp vụ nên công ty phải nhận lao động phổ thông, buộc phải hướng dẫn, huấn luyện từ đầu nên rất mất thời gian, công sức mà hiệu quả công việc cũng không như mong muốn…

Công nhân Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận chế biến tôm xuất khẩu.

Qua tìm hiểu, hầu hết NLĐ làm việc tại các DN trên đều không được ký kết hợp đồng lao động, chỉ là làm công ăn lương. Một số khác được chủ DN ký kết hợp đồng lao động nhưng mức lương lại rất thấp, ngoài ra không hề được thực hiện bất cứ các chế độ nào như BHXH, BHYT, BHTN… Không có cơ sở ràng buộc, thu nhập thấp, buộc nhiều lao động tìm kiếm công việc hay chỗ làm việc khác với hy vọng có mức thu nhập cao hơn, dẫn đến tình trạng lao động “nay làm, mai nghỉ”, chưa phát huy tinh thần trách nhiệm trong công việc, thiếu tính kỷ luật như đã nêu ở trên.

Đồng chí Kiều Đình Minh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: Hiện số lao động phổ thông làm việc tại DN, nhà máy, xí nghiệp chiếm tỷ lệ rất lớn. Xuất thân từ nông thôn, đã quen với nếp làm việc tự do; một số lao động trẻ khác phần lớn trình độ học vấn còn hạn chế, chưa từng làm việc trong môi trường công nghiệp, khi bước chân vào các nhà máy, xí nghiệp, không quen làm việc dưới sự quản lý, lại bị ràng buộc buộc bởi nhiều nội quy, quy chế, giờ giấc… nên rất dễ nản chí, tự ý bỏ việc. Không ai khác, chính chủ DN phải có trách nhiệm rèn luyện tác phong làm việc cho NLĐ. Để đạt được mục tiêu này, chủ DN cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách, bảo đảm việc làm, đời sống để NLĐ gắn bó, nâng cao trách nhiệm, tính tự giác chấp hành tổ chức kỷ luật, cống hiến cho sự phát triển của DN.

Thực tế nhiều DN đã thực hiện tốt công tác này. Tại Công ty TNHH Thủy sản Thông Thuận, gần như 100% công nhân đều là lao động phổ thông. Là đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản nên không chỉ đòi hỏi nghiêm ngặt về quy trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm mà còn phải thực hiện nghiêm quy định pháp luật, chính sách, chế độ đối với NLĐ. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Hành chính - Nhân sự công ty, cho biết: Mỗi lô hàng được xuất khẩu luôn được đối tác giám sát gắt gao, chỉ cần phát hiện ra một sợi tóc hay vết bụi trong khu vực sản xuất hoặc bất cứ vi phạm pháp luật nào trong việc sử dụng lao động, lô hàng lập tức bị đối tác trả lại. Để đảm bảo không có bất cứ một sai sót nào, người lao động trước khi chính thức vào làm việc, được công ty đào tạo 3 tháng, sau đó thường xuyên được nâng cao tay nghề và luôn được giám sát việc thực hiện kỷ luật, quy chế trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, các chế độ, chính sách, công tác chăm lo đời sống cho NLĐ luôn đuợc công ty quan tâm thực hiện nghiêm túc. Công nhân đi làm có xe đưa đón, được tổ chức ăn trưa ngay tại đơn vị. Những người ở xa được bố trí chỗ ở tại khu nhà ở công nhân… Mọi việc làm của công nhân luôn gắn liền với các quy chế thưởng, phạt phân minh. Chính vì vậy, NLĐ luôn có ý thức, trách nhiệm với công việc của mình”.

Hay như tại Công ty Cổ phần Mía đường Phan Rang, ngoài thực hiện các chế độ, chính sách và luôn quan tâm nâng cao đời sống cho NLĐ, công ty còn đề ra các quy định cụ thể về nội quy, siết chặt kỷ luật trong đơn vị. Ông Nguyễn Việt Hòa, Chủ tịch CĐCS công ty, cho biết: Mỗi CN-LĐ luôn được quản lý tốt từ giờ giấc làm việc đến năng suất lao động và cả sự sáng tạo trong lao động. Đây chính là cơ sở đánh giá, khen thưởng hàng tháng, quý, năm. Lợi ích luôn được gắn với trách nhiệm nên tại công ty hầu như không có tình trạng CN-LĐ “đi trễ, về sớm”, tự ý bỏ việc giữa chừng; ý thức tổ chức kỷ luật của CN-LĐ rất tốt.

Tác phong công nghiệp không chỉ mang lại lợi ích cho DN mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với chính NLĐ. Có ý thức tổ chức kỷ luật tốt, NLĐ sẽ làm việc nghiêm túc, chịu khó học hỏi, rèn luyện tay nghề, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động, thu nhập cho mình. Để giúp NLĐ nhận thức được điều này, chính các DN cần thực hiện các biện pháp xây dựng cho họ tinh thần, tác phong công nghiệp. Ngay từ khâu tuyển dụng, ngoài các thông tin về yêu cầu công việc, mức lương, người tuyển dụng cần thông tin thêm về nội quy, quy chế, hình thức khen thưởng và cả xử phạt khi NLĐ vi phạm kỷ luật, hợp đồng lao động… Trong quá trình hoạt động, DN cũng cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, động viên, đề ra các chế độ, chính sách đãi ngộ thỏa đáng… Đối với NLĐ cần nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, nâng cao trình độ, tay nghề, khẳng định năng lực… để thăng tiến, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, công đoàn các cấp cũng cần phát huy vai trò, đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, các phong trào thi đua lao động, nhất là bồi dưỡng kiến thức pháp luật lao động, giúp NLĐ nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, rèn luyện tác phong làm việc công nghiệp, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi trong xu thế phát triển như hiện nay.