Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi)

Sáng 26/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), trong đó tập trung làm rõ quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí; những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí…

Về quyền tự do báo chí, đại biểu Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện nay có nhiều cách hiểu khác nhau, tùy theo góc tiếp cận vấn đề. Do đó đề nghị cần làm rõ khái niệm “Chủ thể của quyền tự do báo chí là ai? Nội dung quyền tự do báo chí là gì?”

Mặt khác, để đảm bảo quyền tự do báo chí, đại biểu Thùy Trang đề nghị, dự thảo Luật cần quy định việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và cơ quan báo chí, vì nếu ghi như trong Luật “Nhà báo, công dân có quyền tiếp cận thông tin mà pháp luật không cấm” là còn chung chung. Trên thực tế, một số cơ quan, tổ chức, địa phương còn né tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí.

Đồng thời, phải có cơ chế đảm bảo quyền tác nghiệp của các nhà báo vì thời gian qua có nhiều trường hợp cản trở tác nghiệp báo chí, thu giữ phương tiện tác nghiệp của các phóng viên, thậm chí có nhà báo bị hành hung.

 

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thanh Hải phát biểu ý kiến. (Ảnh: TTXVN)

Đề cập đến hoạt động phỏng vấn, trả lời phỏng vấn trên báo chí, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) cho rằng, quy định như trong dự thảo Luật là không rõ, không theo kịp với xu hướng phát triển hiện đại. Thực tế cho thấy, hàng lang pháp lý về trách nhiệm của người phỏng vấn, người trả lời phỏng vấn còn lỏng lẻo.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải, đây chính là nguyên nhân để xảy ra nhiều bất cập trong quản lý báo chí thời gian vừa qua như: Người được phỏng vấn không thống nhất với nội dung bài phỏng vấn; tiêu đề, các hình ảnh đi kèm với bài phỏng vấn gây phản cảm, không phù hợp. Cá biệt còn giật tít câu khách thu hút người đọc, để tăng quảng cáo, nên nhiều người còn e ngại trả lời phỏng vấn. Vì vậy, đại biểu đề nghị ghi rõ thẩm quyền, trách nhiệm các đối tượng trong hoạt động trả lời báo chí.

Bàn về những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quy định cấm về nội dung như trong luật còn rất mông lung, mơ hồ vì theo quy định công dân được làm những việc pháp luật không cấm. Ví dụ như cấm xuyên tạc lịch sử nhưng các nhà khoa học, các nhà khảo cổ có nghiên cứu, phát hiện những điều khác với truyền thống thì có phải là xuyên tạc lịch sử không? Hay cấm miêu tả tỉ mỉ hoạt động dâm ô, vậy thế nào là tỉ mỉ? mức độ nào là tỉ mỉ? để khỏi vi phạm.

Về đối tượng được thành lập tổ chức báo chí, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa phải hết sức cân nhắc vì tới đây khi Luật thành lập Hội được thông qua, thì liệu Hội hoạt động hợp pháp đều được thành lập báo chí, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quyền dân chủ. Quản lý không hợp lý, không khôn ngoan, không dân chủ tưởng chừng quản lý rất chặt chẽ lại không hiệu quả, chẳng hạn có thông tin nhiều báo chí trong nước không đăng, nhưng báo chí nước ngoài lại đăng với nội dung xuyên tạc thì khi đó rất khó kiểm soát.

Nói về các trang thông tin điện tử tổng hợp, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (tỉnh Hòa Bình) cho rằng, các trang thông tin điện tử không có chức năng sản xuất tin, bài, không phải là báo chí. Thời gian qua, thủ tục đăng ký, cấp giấy phép quá dễ dàng nên số lượng trang thông tin tăng lên rất nhanh. Vì vậy nhiều trang thông tin đã hoạt động sai chức năng được cấp phép, gây bức xúc cho nhiều tờ báo chính thống. Nhiều trang trích dẫn không đầy đủ, cắt xén, đổi tít để câu view. Đại biểu đề nghị, bổ sung một số quy định chế tài vào Luật Báo chí đối với những trang thông tin điện tử vi phạm.

Về tuổi đảm nhiệm chức danh của lãnh đạo cơ quan báo chí, tổng biên tập, phó tổng biên tập của cơ quan báo chí, nhiều đại biểu đồng tình quy định tuổi tổng biên tập, phó tổng biên tập của sản phẩm báo chí thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có thể cao hơn tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động nhưng tối đa không quá 05 năm, nhưng đề nghị bổ sung thêm yêu cầu: theo chế độ hợp đồng lao động, cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí có nhu cầu, đương sự tự nguyện và đáp ứng điều kiện về sức khỏe, trí tuệ.

Ngoài ra, trong thời gian qua, loại hình báo điện tử phát triển mạnh mẽ với những đặc tính riêng như: khả năng tương tác cao, không bị giới hạn bởi không gian, thời gian; cập nhật tin, bài đến từng phút… đòi hỏi phải có phương thức quản lý phù hợp. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định cụ thể hơn đối với loại hình này./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam