Luật phải tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển bền vững

Ghi nhận vị trí, vai trò và những đóng góp của báo chí, nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm đã được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu ra trong phiên thảo luận sáng nay để hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí, hành lang pháp lý để báo chí phát triển mạnh và bền vững.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng trực tiếp điều hành phiên thảo luận.

Đã có 19 ĐBQH phát biểu ý kiến, trong đó có những ĐB phát biểu 2 lần, tạo nên không khí thảo luận xây dựng, sôi nổi.

Tất cả các ý kiến thảo luận đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Báo chí, bởi sau 16 năm thi hành đã bộc lộ nhiều bất cập và không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin cùng sự phổ biến của mạng xã hội làm cho hoạt động báo chí thay đổi cả về phương thức làm báo, hình thức chuyển tải nội dung thông tin và cách thức tiếp cận thông tin của người dân.

Sửa luật để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa

Việc sửa đổi Luật Báo chí sẽ góp phần cụ thể hóa tinh thần và nội dung của Hiến pháp 2013 về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn thi hành Luật; tạo lập khung pháp lý phù hợp để sắp xếp, tổ chức lại hệ thống báo chí, tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh, hiệu quả và đúng định hướng.

Các ĐB nhận định, dự án Luật trình Quốc hội lần này có nhiều điểm mới về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí.

Dự án Luật cũng mở rộng và quy định cụ thể đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; bổ sung một số quy định mới về tổ chức báo chí; lựa chọn luật hóa những quy định trong các văn bản dưới luật về thông tin trên báo chí, thẻ nhà báo, văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… đưa vào phạm vi điều chỉnh nhằm tăng tính khả thi của Luật.

Góp ý về trách nhiệm, quyền hạn của lãnh đạo cơ quan báo chí, một số ý kiến nhận định dự án Luật cần nghiên cứu, quy định lại theo hướng xác định ai là người chịu trách nhiệm chính, ai liên đới chịu trách nhiệm và mức độ trách nhiệm của từng chức danh về các sai phạm trong hoạt động và về nội dung thông tin báo chí.

ĐB Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) nêu thực trạng: Trong những năm gần đây hoạt động báo chí bộc lộ những vấn đề đáng lo ngại, như thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, đưa tin sai sự thật, xu hướng thương mại hóa có chiều hướng tăng nhanh. Đáng lo ngại là tình trạng thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động dâm ô, tội ác, thông tin về những chuyện thần bí, mê tín dị đoan… góp phần dẫn đến tình trạng lệch lạc trong nhận thức của xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

ĐB đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định của cơ quan quản lý và chế tài cụ thể xử lý đối với các nhà báo không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và tổng biên tập cho phép đăng các nội dung thông tin không phù hợp mới đủ sức răn đe.

ĐB Hà Minh Huệ (Bình Thuận) tỏ ý băn khoăn về quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện quản lý Nhà nước về báo chí đối với cơ quan báo chí của địa phương, vì quy định này có vẻ thêm nấc thang quản lý nữa đối với các cơ quan báo chí do những thông tin trái chiều ở địa phương dễ bị địa phương “tuýt còi”, báo chí khó có thể tự do hoạt động. Theo ĐB Huệ, nên giao chức năng này cho cơ quan chủ quản, hoặc cơ quan báo chí có phóng viên đi thường trú, như vậy việc phân cấp quản lý sẽ hợp lý hơn, tập trung, hiệu quả hơn.

Thảo luận về quy định: “Người đứng đầu cơ quan báo chí là tổng giám đốc, giám đốc; cấp phó của người đứng đầu là phó tổng giám đốc, phó giám đốc”, ĐB Thuận Hữu (Bà Rịa-Vũng Tàu) nhận định, quy định này chỉ có thể áp dụng đối với các cơ quan báo đa phương tiện, có rất nhiều ấn phẩm. Đối với các cơ quan báo chí nhỏ, chỉ có một ấn phẩm, việc áp dụng quy định này gây thêm nhiều rắc rối trong quá trình quản lý…

Tự do báo chí gắn liền với quyền tiếp cận thông tin

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) cho rằng, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về quyền tự do báo chí. Do vậy, cần giải thích khái niệm tự do báo chí ở Điều 4 của dự thảo Luật, tạo cơ sở thống nhất cho việc thực thi quyền cơ bản này của công dân.

ĐB cũng đề nghị, để đảm bảo được quyền tự do báo chí, cần thiết phải thực hiện nghiêm túc quy chế phát ngôn nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ để các cơ quan báo chí có thể thông tin kịp thời tình hình đất nước đến công chúng, không để lại những khoảng trống thông tin cho những suy nghĩ, những đồn đoán đến từ những nguồn thông tin không chính thống. Tiếp đó, phải đảm bảo được quyền tiếp cận thông tin của nhà báo và của cơ quan báo chí.

“Không nên gộp chung quy định tiếp cận thông tin của chủ thể nhà báo và công dân vào một khoản, vì cách thức, quy trình, thủ tục và điều kiện cũng khác nhau. Công dân tiếp cận thông tin cho nhiều mục đích, trong đó có mục đích phục vụ hoạt động báo chí sẽ tuân theo Luật Tiếp cận thông tin. Các cơ quan báo chí, nhà báo tiếp cận thông tin phục vụ cho hoạt động báo chí phải được quy định trong Luật Báo chí”, ĐB Trang nhấn mạnh.

Để thực hiện quyền tự do báo chí, cũng cần có cơ chế để đảm bảo cho quyền tác nghiệp của các nhà báo.

Điều 57 về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, dự thảo Luật chỉ mới đề cập đến khía cạnh các cơ quan báo chí nêu sai phạm thì sẽ bị các hình thức xử lý theo luật định, nhưng vẫn chưa đề cập đến việc xử lý các tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí hợp pháp. Do đó, các ĐBQH đề nghị cần bổ sung thêm nội dung tổ chức, cá nhân cản trở các hoạt động báo chí hợp pháp tùy mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hiện nay, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ. Ảnh minh họa.

Luật có “quản” trang thông tin tổng hợp không?

Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin trên cơ sở tổng hợp và trích dẫn nguyên văn chính xác nguồn tin tức. Phải ghi rõ tên tác giả cũng như nguồn trích dẫn. Điều đó có nghĩa là trang thông tin điện tử không có chức năng sản xuất tin.

Theo phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp không phải là thể loại báo chí, mà chỉ là trang cung cấp thông tin có tính chất báo chí trên môi trường Internet và nó thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 72.

Tuy nhiên, nội dung này vẫn khiến các ĐBQH băn khoăn. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, về hình thức và nội dung, trang thông tin điện tử tổng hợp không khác gì so với báo điện tử, dưới góc độ của người đọc.

Tuy nhiên, do thủ tục xin phép thành lập tương đối đơn giản, nên trong thời gian qua, số lượng các trang thông tin điện tử tổng hợp tăng lên rất nhanh, gây quá tải cho công tác quản lý Nhà nước.

Nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động sai chức năng, nhiệm vụ, vi phạm bản quyền tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ, gây bức xúc rất nhiều đối với các nhà báo, tờ báo chân chính.

“Việc tổng hợp tin tức từ báo khác là hoàn toàn không có tôn chỉ, mục đích. Việc tổng hợp tin tức thường theo hướng giật gân, câu khách thiên về việc tuyên truyền mặt trái, mặt tiêu cực trong xã hội, hướng thanh niên đến một lối sống lười lao động, thích hưởng thụ, tôn sùng vật chất”, ĐB Nguyễn Thanh Hải bức xúc.

Còn ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) thậm chí còn coi các trang thông tin tổng hợp là một loại hình truyền thông "quái thai, dị dạng": “Thực tế, loại trang tin này đã ký sinh trên cơ thể báo chí, gặt hái những gì ngọt, ngon nhất cho mình, trong khi họ không phải mất chút mồ hôi, công sức, tiền bạc nào”.

Theo thống kê, hiện cả nước có hơn 1.600 trang tin điện tử tổng hợp, gấp hàng chục lần số cơ quan báo chí điện tử, gấp đôi số cơ quan báo chí nói chung.

Chính từ những phân tích đó, ĐBQH đề nghị bổ sung thêm một số quy định, chế tài cụ thể đủ mạnh vào Luật Báo chí (sửa đổi) để đảm bảo quản lý có hiệu quả đối với những trang thông tin điện tử tổng hợp này, trong khi chờ việc nâng Nghị định 72 về quản lý thông tin trên mạng lên thành luật.

Hoặc như ĐB Nguyễn Phi Thường đề nghị, dự thảo luật cần tính đến việc xóa bỏ khái niệm trang tin điện tử tổng hợp và nhóm chúng về loại hình website đơn thuần, chỉ các cơ quan báo chí mới được quyền xuất bản các website có tính chất báo chí.

Cũng trong ngày hôm nay, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thực hiện chế định Thừa phát lại; Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng; Nghị quyết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.
Nguồn www.chinhphu.vn