Luật gồm 23 Chương, 372 Điều quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hành chính; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khởi kiện, giải quyết vụ án hành chính, thi hành án hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án nhân dân (TAND) bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật này.
Đáng chú ý, tại Khoản 4 Điều 32 quy định TAND cấp tỉnh giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu Luật Tố tụng hành chính, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết:
Về phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Điều 31, Điều 32), một số ý kiến đề nghị giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Một số ý kiến đề nghị giao cho TAND cấp huyện giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Do vấn đề này vẫn còn có ý kiến khác nhau, vì vậy, để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả, có 279 vị đại biểu Quốc hội (67,7%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; có 126 vị đại biểu Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ 2 (30,6%). Vì vậy, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thể hiện tại Điều 32 của dự thảo Luật.
Liên quan đến vị trí, vai trò và việc phát biểu quan điểm của Viện KSND trong Luật tố tụng hành chính (sửa đổi), có ý kiến đề nghị xác định là cơ quan tiến hành tố tụng. Ý kiến khác đề nghị xác là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính.
Để bảo đảm thận trọng, có cơ sở chắc chắn cho việc tiếp thu, chỉnh lý, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Đoàn Thư ký kỳ họp xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội bằng phiếu. Kết quả, có 239 vị đại biểu Quốc hội (57,3%) tán thành với loại ý kiến thứ nhất; có 178 vị đại biểu Quốc hội tán thành với loại ý kiến thứ hai (42,7%). “Vì vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo đa số ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và thể hiện Viện Kiểm sát là cơ quan tiến hành tố tụng hành chính”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cho biết.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, kể từ ngày Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực (ngày 1/7/2016), đối với những khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện đã được TAND cấp huyện thụ lý giải quyết trước ngày 1/7/2016 thì tòa án đã thụ lý tiếp tục giải quyết theo thủ tục chung mà không chuyển cho TAND cấp tỉnh giải quyết./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam