Để có được kết quả này, theo thầy giáo Nguyễn Văn Tường, Phó Hiệu trường nhà trường, bên cạnh việc xây dựng các tổ chuyên môn vững mạnh; quản lý chặt chẽ việc ôn tập, ra đề, hướng dẫn giáo viên chấm các kỳ kiểm tra; tổ chức tốt hoạt động thao giảng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bộ môn với nhau; thống nhất những quy định về giờ dạy “thân thiện” (không dò bài cũ quá nhiều, không la mắng, trách phạt HS…). Trường còn thường xuyên giáo dục HS về tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau; thực hiện kiểm tra chung đề, chung đợt, kiểm tra học kỳ, kiểm tra lại nghiêm túc. Đối với những HS yếu, kém, nhà trường lập danh sách, phân công giáo viên, HS giỏi các lớp quan tâm giúp đỡ. Nhờ vậy, chất lượng giáo dục của trường không ngừng được nâng lên, tỷ lệ HS bỏ học giảm từ 11% (năm học 2011-2012) xuống còn 3,06% (năm học 2014-2015).
Thạc sĩ Vũ Văn Đê, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du hướng dẫn học sinh lớp 12 học môn Toán.
Ảnh: Sơn Ngọc
Với phương châm “Dạy thật, học thật, thi thật, kết quả thật”, Trường THPT Nguyễn Du, đóng trên địa bàn xã Quảng Sơn (Ninh Sơn), cũng có nhiều cách làm hay trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là công tác tổ chức dạy học, ôn tập, phụ đạo cho HS khối 12. Thầy giáo Nguyễn Cảnh Thái, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, Ban Giám hiệu nhà trường luôn triển khai nghiêm túc việc dạy và học chính khóa cũng như công tác ôn tập, phụ đạo cho HS; thông báo kết quả học tập và tư vấn cho HS khối 12 cách lựa chọn môn thi, khối thi “hai trong một” hoặc xét tốt nghiệp THPT theo đúng sở trường, năng lực. Bên cạnh đó, trong các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và thi thử tốt nghiệp, nhà trường còn chủ động sắp xếp phòng thi theo năng lực của HS (HS giỏi ngồi chung phòng thi; HS khá ngồi chung…). Qua đó, giúp HS tự giác trong học tập, tránh gian lận trong thi cử; giáo viên bộ môn dựa vào kết quả thi có hướng xây dựng giáo án, ôn tập, phụ đạo phù hợp với từng nhóm đối tượng. Ngoài ra, để HS khối 12 cọ xát, làm quen với mẫu đề thi minh họa “hai trong một” của Bộ GD&ĐT, hằng năm, nhà trường tổ chức từ 2-3 lần thi thử tốt nghiệp; quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể của từng HS. Với những em có hoàn cảnh khó khăn, ngoài việc tổ chức ôn tập miễn phí, nhà trường còn hỗ trợ thêm tài liệu và tiền xe buýt… Nhờ vậy, năm học vừa qua, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT của trường đạt 92,27%; năm học 2015-2016, trường phấn đấu tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT đạt 95%.
Đóng trên địa bàn huyện Ninh Hải, Trường THPT Tôn Đức Thắng cũng là một trong những trường có tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, với 93,85%. Thầy giáo Hoàng Văn Tý, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Căn cứ dự thảo quy chế thi, ngay từ đầu năm học, Ban Dạy và Học của trường đã lên kế hoạch chỉ đạo các tổ, nhóm chuyên môn xây dựng chương trình ôn tập phù hợp với đặc thù từng môn và từng đối tượng HS. Công tác ôn tập cho HS khối 12 được chia thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (từ cuối học kỳ I đến tháng 3), HS các lớp tham gia học 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) do giáo viên bộ môn trực tiếp đứng lớp truyền thụ kiến thức cơ bản đang học và bổ sung lại các kiến thức liên quan ở lớp dưới, có kiểm tra bài 1 tiết/tuần. Giai đoạn 2 (từ tháng 4 đến cuối năm học), HS được lựa chọn giáo viên bộ môn ôn tập theo lớp phân hóa tổ hợp môn thi, nội dung ôn tập tùy theo lớp để lựa chọn kiến thức, kỹ năng phù hợp. Năm học này, mặc dù khối 12 đã học theo các lớp phân hóa, tuy nhiên do một số HS có nguyện vọng đổi tổ hợp môn tuyển sinh nên từ đầu năm học, nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm thăm dò và phân bổ số lượng HS dự kiến xét tuyển theo khối (truyền thống) hoặc chỉ thi để xét tốt nghiệp THPT để có hướng trao đổi, tư vấn kịp thời. Sau khi có kết quả đăng ký môn thi, cụm thi lần 1, nhà trường sẽ tổ chức các lớp ôn tập giai đoạn 1. Kết thúc kiểm tra học kỳ I, sẽ tư vấn cho các em đăng ký lại lần 2, sau đó bố trí lớp mới để tổ chức ôn tập giai đoạn 2.
Với những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục sáng tạo, mang tính khả thi cao, tin rằng trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, các trường THPT trong tỉnh sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, gắn với xây dựng “thương hiệu” nhà trường bền vững.
Phạm Lâm