Vấn đề hôm nay:

Cảnh báo trước vẫn hơn!

(NTO) Gần đây, nhiều địa phương trong cả nước đã nổi lên tình trạng khai thác cát sông ồ ạt để cung cấp cho các công trình xây dựng, gây nên biến đổi dòng chảy, sạt lở không chỉ đơn thuần là bờ sông mà còn ảnh hưởng lớn đến sản xuất và nhà cửa, tài sản, thậm chí là tính mạng của người dân sống dọc theo sông, rạch. Đối với tỉnh ta tình trạng khai thác cát trên các sông, suối, nhất là trên sông Dinh tuy chưa đến mức quá “căng thẳng” đến nỗi cơ quan chức năng phải “ra tay” dẹp loạn nhưng đây đó người dân liên tục có những phản ảnh về một số doanh nghiệp khai thác cát gần bờ kè sông, gần mố cầu như Cầu Đạo Long 2... dẫn đến nguy cơ có thể ảnh hưởng đến các công trình này. Thậm chí có người dân thấy doanh nghiệp đẩy mạnh khai thác cát hàng ngày đã bức xúc cho rằng: Việc người dân tự nguyện hiến đất để làm kè là chống sạt lở bờ sông, nhất là trong mùa mưa lũ nhưng cơ quan chức năng lại thiếu quản lý, giám sát để doanh nghiệp “tự tung tự tác” làm ảnh hưởng đến công trình, dòng chảy của sông Dinh, có nhiều khả năng tác động không tốt đến dân cư ở đây...

Vậy thực hư ra sao?. Theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có 30 điểm được quy hoạch cát xây dựng có tổng diện tích trên 950ha, với trữ lượng trên 11,44 triệu m3. Diện tích này phân bổ chủ yếu tập trung tại lưu vực sông Dinh. Tính đến nay, tỉnh đã cấp 21 giấy phép cho 18 tổ chức, cá nhân khai thác với diện tích trên 75,36 ha, chiếm 7,9% tổng diện tích quy hoạch, trữ lượng khai thác được cấp phép cũng chỉ mới là con số trên 1,26 triệu m3 mà thôi. Ngoài ra, tỉnh cũng đã cấp 16 giấy phép thăm dò với tổng diện tích 50,53 ha, chiếm 5,3% tổng diện tích quy hoạch... Nêu ra những con số trên để thấy rằng việc quản lý tài nguyên cát của tỉnh khá chặt chẽ, quy củ và chưa đến mức khai thác “triệt để” như nhiều người lo ngại!. Thực ra, đây cũng chỉ là con số báo cáo còn thực tế khó có thể đoán định được lượng cát thực tế khai thác và quy trình khai thác, địa điểm khai thác... có “tổn hại” đến việc làm biến đổi dòng chảy?. Đối với công tác quản lý tại cơ sở cũng còn nhiều bất cập. Ngay cả ngành Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận rằng lực lượng làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn mỏng và hạn chế chuyên môn nên công tác kiểm tra, giám sát không được thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm... Tất nhiên, “yếu” lĩnh vực này thì lĩnh vực khác lại... “mạnh”. Ví như, do quản lý không chặt nên để xảy ra nhiều trường hợp sai phạm cả trong khai thác, vận chuyển, kinh doanh. Đó là chưa nói đến việc giám sát về phạm vi ranh giới khai thác, trữ lượng đã khai thác của các doanh nghiệp được cấp phép, khó kiểm soát về sản lượng đã khai thác...

Hơn ai hết, chính người dân sở tại mới thực sự thấu hiểu cách làm ăn của từng doanh nghiệp. Không những vậy, người dân còn lo lắng trước tình trạng xe chở cát chạy trên đường nông thôn, đa phần là đường bê-tông nên cũng quá tải dẫn đến hư hỏng và liệu doanh nghiệp có sửa lại cho dân không hay chỉ biết “khai thác” mà cố tình “quên” trách nhiệm theo kiểu “việc ta ta cứ làm!” còn dân có phiền cũng mặc!.

Việc khai thác cát để cung cấp cho nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng là rất cần thiết, đồng thời cát, sỏi là loại khoáng sản dồi dào, dễ khai thác và cũng dễ “tái tạo” lại hàng năm. Tuy nhiên, nếu buông lơi quản lý thì sẽ dẫn đến hậu họa khó lường. Suy cho cùng, việc tác động đến tự nhiên lợi trước mắt nhưng không phải là không có hại lâu dài và tình trạng sạt lở bờ sông nơi này, nơi khác vào mùa mưa lũ xem ra cũng là lời cảnh báo về sự “nổi giận” của tự nhiên vậy!.