Công ty CP Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận: Tháo gỡ khó khăn, nâng cao năng lực sản xuất

(NTO) Từ đầu năm 2015, nguồn nguyên liệu hạt điều trong nước và các nước Châu Phi dần hồi phục, cộng với sự hỗ trợ nguồn vốn vay từ ngân hàng, Công ty CP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận trở lại sản xuất, kinh doanh. Với sự đổi mới tích cực trong phương án làm ăn, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty đã đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên để phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực của chính mình, công ty cũng cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nỗ lực tái cơ cấu sản xuất

Bắt tay vào hồi phục sản xuất, kinh doanh trong tình thế đối mặt nhiều khó khăn, thử thách: thiếu nhân công, thâm hụt tài chính, áp lực nợ ngân hàng, sức ép cạnh tranh từ các doanh nghiệp xuất khẩu điều trong và ngoài nước…, tuy nhiên, với quyết tâm “đổi mới để tồn tại và phát triển”, công ty tập trung thực hiện tái cơ cấu sản xuất, mạnh dạn đổi mới chiến lược, phương án kinh doanh, tích cực chuyển dần từ nhận gia công hạt điều cho các đối tác nước ngoài sang sản xuất, chế biến, kinh doanh nhân hạt điều thành phẩm. Ông Nguyễn Vĩnh Long, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: Để “lấy ngắn nuôi dài”, ngay sau khi trở lại hoạt động, công ty vẫn phải nhận gia công hạt điều cho các đối tác, số lao động lên đến hơn 1.300 lao động. Tuy nhiên, qua 2 tháng, nghiên cứu, sắp xếp lại quy trình và đưa một số thiết bị máy móc vào sản xuất, công ty đã chuyển toàn bộ hoạt động sang chế biến nhân hạt điều thành phẩm. Số công nhân giảm xuống còn khoảng 400 người. Phương án này đã giúp công ty tinh gọn bộ máy tổ chức, tiết kiệm nhân công, nâng cao hiệu quả quản lý, hạn chế tối đa hao phí trong sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Trước đây trung bình mỗi ngày công ty gia công khoảng 70 tấn hạt điều, sau khi chuyển đổi phương án kinh doanh, sản lượng hạt điều sản xuất trung bình mỗi ngày khoảng 20 tấn. Tuy nhiên lợi nhuận lại cao gấp đôi.

 
Công nhân Công ty CP Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận chế biến hạt điều.

Còn nhiều khó khăn

Sản xuất, kinh doanh hiệu quả, làm ăn có lãi, nhưng với năng lực sản xuất như hiện nay cũng chỉ giúp cho công ty “cầm hơi”, duy trì hoạt động, rất khó mở rộng quy mô và phát triển. Nguyên nhân là lợi nhuận làm ra phải bù đắp vào tiền lãi vay của nguồn vốn ngắn hạn mất cân đối quá lớn (khoảng 81 tỷ đồng, bình quân mỗi tháng phải trả lãi vay trên 600 triệu đồng) nên thực tế, lợi nhuận còn lại của công ty là rất thấp, từ đó khó có thể khắc phục lỗ, khôi phục lại nguồn vốn sở hữu cũng như cải tiến hệ thống thiết bị sản xuất, giúp tăng năng xuất chế biến, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển. Ngoài ra, công ty cũng không thể cải thiện tiền lương, nâng cao thu nhập cho công nhân; các chế độ phúc lợi cho người lao động không được thỏa mãn kịp thời... Nếu tình trạng này kéo dài có khả năng công ty sẽ mất dần lao động, nhất là những lao động có tay nghề, kỹ thuật cao. Đây là yếu tốt hết sức quan trọng đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện nay, công ty vẫn còn nợ chế độ thôi việc của gần 250 lao động, với số tiền hơn 1,7 tỷ đồng. Đây là số lao động viết đơn xin thôi việc khi công ty ngừng hoạt động vào năm 2014 (gồm 100 người) và thực hiện tái cơ cấu tổ chức từ đầu năm đến nay. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Vĩnh Long, bày tỏ: Ban lãnh đạo công ty rất mong sự thông cảm, chia sẻ từ phía người lao động. Công ty sẽ cố gắng, tuy nhiên trong tình hình khó khăn như hiện nay, việc giải quyết chế độ chỉ có thể thực hiện từng bước. Trước mắt, dự kiến đến cuối năm, sau khi cân đối nguồn tài chính, công ty sẽ kiến nghị ngân hàng cho ứng vốn từ khoản lợi nhuận để giải quyết chế độ cho người lao động. Số lượng lao động được giải quyết chế độ còn tùy thuộc vào mức lợi nhuận nhiều hay ít, vì vậy đối với những người nếu chưa được giải quyết trong đợt này, công ty rất mong sự thông cảm và cố gắng chi trả trong các đợt tiếp theo.

Để từng bước tháo gỡ vấn đề vốn sản xuất, được biết, trước tiên, Ban giám đốc kiến nghị với ngân hàng có giải pháp hợp lý hỗ trợ về vốn, giúp công ty có điều kiện mở rộng sản xuất, bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; đồng thời tăng khả năng cạnh tranh để đứng vững trong xu thế hội nhập.