Theo Bộ KH&ĐT, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ ra đời với mục tiêu phát triển ngành thủy sản như một ngành kinh tế quan trọng, có tiềm năng, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Sau 1 năm triển khai, về cơ bản Nghị định đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, của ngư dân và đạt được một số kết quả ban đầu.
Đến nay các tổ chức tín dụng đã cho ngư dân vay để đóng mới 674 tàu và nâng cấp 90 tàu, trong đó, số tàu sắt và vật liệu mới là 343 chiếc.
Về chính sách bảo hiểm, đến hết quý II/2015, đã có 4.346 tàu cá tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ; 42.110 thuyền viên tham gia bảo hiểm tai nạn thuyền viên với tổng giá trị được bảo hiểm là 10.279,8 tỉ đồng.
Theo các quy hoạch được duyệt, việc đầu tư cơ sở hạ tầng thủy sản đang triển khai mạnh mẽ từ Trung ương đến địa phương trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm 2016-2020.
Khắc phục bất cập trong triển khai chính sách đánh bắt xa bờ
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những khó khăn, bất cập trong triển khai cũng như tiếp cận chính sách của người dân.
Cụ thể, nguồn vốn bố trí cho đầu tư cơ sở hạ tầng nghề cá có tăng, nhưng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đầu tư thực tế.
Ngư dân thiếu vốn đối ứng hoặc không chứng minh được vốn đối ứng khi làm hồ sơ vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu cá. Đơn cử, do yêu cầu sử dụng máy tàu mới làm tăng chi phí đầu tư nên nhiều ngư dân không đủ khả năng tham gia hoặc việc lựa chọn tàu cá theo mẫu có sẵn không phù hợp với điều kiện ở từng địa phương.
Trước những bất cập, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 7/10/2015 để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg về tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020, trong đó có nội dung hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển thủy sản bền vững.
Ngoài nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn, tranh thủ nguồn vốn bổ sung trong năm kế hoạch từ nhiều nguồn (dự phòng, vượt thu, kết dư....) để bố trí cho các dự án có tổng mức đầu tư lớn không thể bố trí đủ theo kế hoạch hàng năm và 5 năm.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng đã tích cực vào cuộc. Chẳng hạn, từ tháng 7/2015, BIDV triển khai “Gói tín dụng 1.000 tỉ đồng cho vay khách hàng cá nhân, hộ gia đình bổ sung vốn đối ứng để đóng tàu theo Nghị định 67”, gói này kéo dài đến cuối năm 2016.
Để thực hiện tốt hơn chính sách hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn tập huấn cho ngư dân để nâng cao trình độ, cũng như đủ điều kiện để vận hành tàu vỏ thép, vỏ vật liệu mới; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đơn giản hóa hơn nữa các mẫu hồ sơ, quy trình thẩm định nguồn vốn vay cho ngư dân...
Nguồn www.chinhphu.vn