Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ban đầu tỉnh ta có 13 ngư hộ được duyệt vay vốn ưu đãi (vốn 67) để đóng tàu theo tinh thần Nghị định nói trên. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 8 ngư hộ “quyết tâm” thực hiện, trong số này có 3 tàu vỏ composite, 4 tàu vỏ gỗ và 1 tàu vỏ sắt với tổng chi phí 79,3 tỷ đồng, gồm Ninh Hải có 3 chiếc đều đăng ký đóng vỏ theo công nghệ mới composite, còn lại 5 chiếc là của ngư dân phường Mỹ Đông và Đông Hải (thành phố Phan Rang- Tháp Chàm). Đáng nói là, các tàu đều có giá trị rất cao, thấp nhất trên 7 tỷ đồng và cao nhất là 14 tỷ đồng. Đối với ngư dân đây là cả một “khối” tài sản lớn mà với số đông dù có “nằm mơ” cũng không thấy- như lời của những ngư dân chúng tôi tiếp xúc đã thổ lộ với niềm vui khó tả hết được.
Tàu Việt Anh vỏ composite được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ. Ảnh: Văn Miên
Quả thật, “có đến mới thấy, có nghe mới thấu hiểu”. Mới đây, có dịp đến dự hạ thủy và khánh thành chiếc tàu dịch vụ hậu cần của gia đình anh Nguyễn Đức Hải ở xã Thanh Hải, Ninh Hải tại xưởng đóng tàu của Viện nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Khánh Hòa).
Con tàu mang tên Việt Anh này có 3 cái nhất của vốn 67: Tàu vỏ composite duy nhất và là tàu hậu cần lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại, hạ thủy sớm nhất trong số các dự án được duyệt. Nói như vậy không sai bởi lẽ tàu anh Hải có công suất 500 mã lực, chiều dài 21 mét và tải trọng theo thiết kế trên 50 tấn với tổng vốn đầu tư trên 7,9 tỷ đồng. Trong số này có 5% vốn “đối ứng” của gia đình anh. Thật không thể nói hết niềm vui, xen lẫn tự hào của vợ chồng anh vì đã mạnh dạn vay vốn đầu tư cho tàu hậu cần vỏ composite công nghệ mới chưa hề có trong số hàng ngàn tàu cá của tỉnh vốn truyền thống là tàu vỏ gỗ. Ngay bản thân anh Hải ban đầu cũng chưa hình dung nhưng khi đã “nên hình, nên dáng” và hạ thủy chạy êm ru trên biển mới hết băn khoăn và cho quyết định của mình là đúng. Ngay cả một số ngư dân của tỉnh được mời đến “mục sở thị” cũng tấm tắc khen, có ngư dân như ông Năm ở Đông Hải có đến 3 người thân cùng được duyệt vay vốn 67 đóng 3 tàu làm nghề lưới rê với công suất 420 CV/chiếc cũng “lấy làm tiếc” vì “lỡ” quyết định đóng vỏ gỗ thay vì tàu vỏ composite!. Không riêng gì anh Hải, tại xưởng đóng tàu nói trên, 2 ngư dân của Ninh Hải là Lê Minh Trí (xã Thanh Hải) và Nguyễn Văn Mười (thị trấn Khánh Hải) cũng mạnh dạn đóng tàu vỏ composite với công suất mỗi chiếc 829 mã lực để làm nghề vây rút chì, tổng vốn trên dưới 14 tỷ đồng/ chiếc, hiện đang được cơ sở đóng tàu đang gấp rút hoàn thành, dự kiến sẽ hạ thủy vào cuối năm nay…
Có thể nói chuyện tưởng rằng rất khó mà hóa ra lại…dễ, đó là thông thường nỗi lo lớn của ngư dân đóng tàu luôn là về nguồn vốn. Tuy nhiên, nhiều ngư dân đều đồng tình phấn khởi cho biết: nay không lo vốn mà lo nhất là tiến độ đóng tàu!. Thật ra, họ rất háo hức chờ đón con tàu mau xuất xưởng rời bến để vươn ra khơi xa khai thác để có điều kiện trả lãi và có thu nhập cao để tiếp tục đóng mới những con tàu khác. Một ngư dân bộc bạch với chất giọng vừa hào sảng vừa thật thà:- Đã có nhà nước “chống lưng” còn sợ gì mà không làm!
Tuy nhiên, để có những con tàu này không phải dễ dàng mà đó là trách nhiệm và quyết tâm rất cao của lãnh đạo địa phương và cả ngành ngân hàng nông nghiệp và PTNT đã lăn lộn cùng ngư dân từ tỷ tê vận động, thuyết phục đến tháo gỡ từng khó khăn một trong quá trình thực hiện để giúp ngư dân. Mong sao, trong thời gian tới tỉnh ta tiếp tục có nhiều “con tàu 67” để góp phần tích cực phát triển kinh tế biển, hiện đại hóa nghề cá, tạo công ăn việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho ngư dân vùng biển và lớn lao hơn là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tuấn Dũng