(NTO) Nhằm phân tích, tìm kiếm nguyên nhân tỷ lệ học sinh (HS) đỗ tốt nghiệp THPT năm 2015 thấp hơn năm học trước và đề ra các giải pháp tạo sự phát triển bền vững, nâng cao chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh vừa tổ chức hội nghị chuyên đề nâng cao chất lượng dạy học các môn thi THPT quốc gia. Đây được xem là hướng đi đúng giúp ngành GD&ĐT đánh giá, thảo luận quá trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị tốt cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo.
Các em học sinh Trường THPT Bác Ái tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2015. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo báo cáo “Kết quả hội thảo nâng cao chất lượng dạy học các môn thi THPT quốc gia” của phòng Giáo dục Trung học-Sở GD&ĐT, trong Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hệ THPT của tỉnh đạt 84,51%, thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước 9,06% và thấp hơn năm 2014 là 14,81%. Hệ GDTX, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp đạt 58,74%, thấp hơn trung bình cả nước 11,18% và thấp hơn năm 2014 là 30,16%. Tổng số bài thi bị điểm liệt (≤ 1,0 điểm) toàn tỉnh có 484 bài, trong đó chủ yếu là môn Toán 475 bài … Trừ Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, 22 đơn vị còn lại đều có HS bị điểm liệt. Trường được xem là hàng đầu trong tuyển sinh vào lớp 10 THPT như THPT Nguyễn Trãi cũng có đến 8 bài thi bị điểm liệt môn Toán; THPT An Phước có 34 bài thi môn Toán bị điểm liệt. Cũng trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, 2 trường THPT thuộc huyện miền núi Bác Ái là PTDTNT Pi Năng Tắc và THPT Bác Ái tuy có điểm tuyển sinh đầu vào lớp 10 thấp nhưng tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT lại cao. Trong đó, Trường PTDTNT Pi Năng Tắc đạt 97,92%; THPT Bác Ái 97,1%. Đặc biệt, ở môn Tiếng Anh, Trường THPT Bác Ái có 12/13 HS dự thi đạt điểm ≥ 5,0 điểm, chiếm 92%, xếp tỷ lệ cao nhất toàn tỉnh. Điều đó cho thấy, hiệu quả đào tạo của một số đơn vị chưa tốt; số điểm liệt của mỗi trường chưa tương xứng với kết quả đánh giá của các trường hiện nay; việc tư vấn lựa chọn môn thi và tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho HS sau khi đã chọn môn thi tại các trường chưa đáp ứng được yêu cầu.
Đồng chí Lương Hồng Sơn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Với mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học trong trường trung học nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo, trong tháng 9 và đầu tháng 10 vừa qua, tất cả các trường THCS và 7 phòng GD&ĐT huyện, thành phố của tỉnh đã tiến hành hội nghị nâng cao chất lượng 2 môn Ngữ văn và Toán. Các trường THPT, trung tâm GDTX trên địa bàn tỉnh tổ chức hội thảo từ cấp tổ đến cấp trường theo đúng kế hoạch. Đặc biệt, trong 4 ngày (từ 13 đến 16-10), Sở GD&ĐT đã tổ chức 8 buổi hội thảo nâng cao chất lượng dạy học 8 môn thi THPT quốc gia. Tham dự hội thảo có 324 đại biểu là cán bộ quản lý các trường THPT, trung tâm GDTX, các tổ trưởng bộ môn, giáo viên dạy giỏi toàn tỉnh, với hơn 110 ý kiến tâm huyết nêu rõ tình hình, nguyên nhân, kết quả giảng dạy bộ môn, chia sẻ những giải pháp và bài học kinh nghiệm trong việc giảng dạy, ôn tập nâng cao chất lượng dạy học của từng bộ môn.
Theo đó, giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đáp ứng kỳ thi THPT quốc gia trong thời gian tới được chia thành 5 nhóm, gồm: nhóm giải pháp của cấp quản lý nhà trường; giải pháp của tổ, nhóm chuyên môn; giải pháp của giáo viên bộ môn; giải pháp của giáo viên chủ nhiệm và nhóm giải pháp của đoàn thể trong nhà trường. Trong đó, có thể kể đến một số giải pháp nổi bật, mang tính ứng dụng cao như: Cán bộ quản lý nhà trường, tổ trưởng chuyên môn phải nắm vững định hướng về đổi mới giáo dục (từ đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá đến đổi mới của kỳ thi THPT quốc gia); tăng cường kiểm tra, đánh giá năng lực HS theo đề chung (của Sở GD&ĐT, của trường); tư vấn, định hướng cho HS lựa chọn môn thi theo đúng năng lực, sở trường; tích cực tổ chức các lớp phụ đạo cho HS yếu kém theo cơ cấu lớp học chính khóa, chia lớp theo năng lực HS để có hướng bồi dưỡng, ôn tập phù hợp; nội dung phụ đạo không tràn lan, không “học tủ” mà cần chọn lọc đúng chuẩn kiến thức, kỹ năng trọng tâm của chương trình. Đầu năm học lớp 12, các trường có HS dự thi tốt nghiệp cần tổ chức cho các em đăng ký các môn thi tự chọn (mỗi HS có thể đăng ký từ 1 đến 3 môn), sau đó các trường tổ chức ôn tập, đến tháng 3 cho HS đăng ký lại lần nữa và tổ chức ôn tập theo từng đối tượng HS cho phù hợp…
Bằng những nhận định, đánh giá sâu sát về quá trình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và những nhóm giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục cụ thể, thiết thực được rút ra sau các hội thảo, hội nghị, tin rằng, thời gian tới các trường trong tỉnh sẽ có thêm nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị tốt cho Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 và những năm tiếp theo.
Phạm Lâm