Sáng 21/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi).
Đáp ứng yêu cầu cải cách và hội nhập quốc tế
Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) nêu rõ một số nội dung quy định tại Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không còn phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật nói chung và một số luật liên quan như Luật quản lý thuế, Luật hải quan, Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường… và thực tiễn xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa những năm gần đây.
Theo đó, cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; đồng thời khắc phục các vướng mắc trong quá trình triển khai, thực hiện Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thời gian qua, nhất là đối với các quy định về: Đối tượng không chịu thuế, khung thuế suất, mức thuế suất, thời hạn nộp thuế và địa bàn, lĩnh vực cần được khuyến khích phát triển trên cơ sở thực hiện chính sách ưu đãi như miễn thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Hiện một số quy định trong Luật hiện hành chưa phù hợp với những nội dung cam kết trong hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo Tờ trình về dự án Luật thuế xuất khẩu,
thuế nhập khẩu (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)
Tờ trình nêu rõ: Sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu nhằm tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu; bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc phù hợp với tiến trình hội nhập; đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo hướng minh bạch, đơn giản, không phân biệt đối xử, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng hoạt động kinh tế đối ngoại. Đồng thời, bổ sung vào Luật này những quy định nhằm đáp ứng yêu cầu nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia ký kết, phù hợp với thông lệ quốc tế, để thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập theo hướng ổn định, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử, đảm bảo phù hợp với các Hiệp định và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia, ký kết... Theo đó, việc sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất để khuyến khích sản xuất, xuất khẩu theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu cải cách về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) gồm 22 Điều, được bố cục thành 5 Chương.
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Cùng với việc ban hành Hiến pháp năm 2013, các luật chuyên ngành đã có nhiều điều chỉnh, thay đổi, do đó cần thiết phải sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để bảo đảm thống nhất; đáp ứng yêu cầu đặt ra trong việc tăng cường và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã bổ sung các quy định về thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ (Chương III) đang được quy định tại 3 Pháp lệnh (Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp và Pháp lệnh thuế tự vệ) là phù hợp, cần thiết, trên cơ sở kế thừa, nâng cấp một số quy định của các Pháp lệnh, góp phần bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, các ý kiến đề nghị cần rà soát bổ sung một số quy định cho phù hợp với thông lệ quốc tế; làm rõ các khái niệm về lượng hóa bán phá giá, mức trợ cấp đến mức nào thì sẽ áp dụng các biện pháp về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ; nguyên tắc áp dụng mức thuế, thời gian được áp dụng thuế chống bán phá giá, trợ cấp, thuế tự vệ tạm thời; thời gian áp dụng thuế chống phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ chính thức; xử lý các trường hợp có chênh lệch về mức thuế tạm thời và mức thuế chính thức (nếu có); thẩm quyền quyết định áp dụng mức thuế chống phá giá, chống trợ cấp, thuế tự vệ.
Sửa đổi toàn diện Luật Kế toán
Thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi), m ột số đại biểu tán thành với việc sửa đổi toàn diện và đổi tên Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán thành Luật Kế toán (sửa đổi), để bảo đảm tính bao quát, ổn định của Luật, tránh tình trạng sửa đổi thiếu toàn diện, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Thảo luận về quy định chứng từ kế toán, sổ kế toán, Điều 17 của dự thảo Luật Kế toán (sửa đổi) đã có quy định về chứng từ điện tử và giá trị của chứng từ trong việc thực hiện các giao dịch, thanh toán khi chứng từ giấy được chuyển đổi thành chứng từ điện tử hoặc ngược lại. Nêu ý kiến về nội dung này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho biết trong thực tiễn, chứng từ kế toán (trong đó có hóa đơn) thường được các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, quản lý thị trường, công an xem xét đối chiếu khi tiến hành thanh tra, kiểm tra tại đơn vị hoặc kiểm tra hàng hóa đang lưu thông trên đường. Không ít trường hợp giao dịch điện tử của doanh nghiệp phải làm thủ tục chuyển đổi sang chứng từ, văn bản giấy để phục vụ cho các cơ quan có chức năng kiểm tra, thanh tra, từ đó gây tốn kém thời gian, thủ tục phiền hà. Từ thực tiễn này, đại biểu Đỗ Văn Vẻ đề nghị bổ sung thêm quy định: Trong trường hợp nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ghi nhận bằng phương tiện điện tử thì chứng từ điện tử có đầy đủ giá trị như chứng từ giấy trong việc ghi sổ kế toán, lưu trữ, phục vụ thanh tra, kiểm tra; các cơ quan thanh tra, kiểm tra phải sử dụng phương tiện điện tử để thực hiện nhiệm vụ, không bắt buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi sang chứng từ giấy.
Tại Điều 53, khoản 3 dự thảo Luật quy định những người không được làm kế toán là: “Bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của Giám đốc, Tổng Giám đốc và của Phó Giám đốc, Phó Tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, Kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, ngoại trừ doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh”. Có ý kiến cho rằng, thực tiễn không ít doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên do những người thân cùng lập ra như anh, chị, em ruột và con cháu họ cũng có thể làm kế toán. Do vậy, ban soạn thảo cần cân nhắc quy định trên cho phù hợp với thực tiễn.
Xung quanh tiêu chuẩn của người làm kế toán, có ý kiến đề nghị nâng tiêu chuẩn và điều kiện của người làm kế toán là có bằng trung cấp trở lên. Về vấn đề này, Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá ý kiến đại biểu là xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng công tác kế toán. Tuy thời gian qua, những người có trình độ về kế toán từ trung cấp trở lên đã được đào tạo rất nhiều, song tình trạng thiếu kế toán tại các đơn vị kế toán quy mô nhỏ ở các xã vùng sâu, vùng xa vẫn xảy ra. Do vậy để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xin Quốc hội cho phép giữ quy định người làm kế toán cần có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán như Luật hiện hành, tùy thuộc vào điều kiện nguồn nhân lực và yêu cầu của đơn vị kế toán để bố trí người làm kế toán cho phù hợp.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến cụ thể về các nội dung: Chuẩn mực kế toán và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; đối tượng kế toán; nguyên tắc kế toán...
Nguồn Báo Tin tức - TTXVN