(NTO) Có thể nói, thời gian qua tỉnh ta đã trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán kéo dài, gây nên thiệt hại lớn đến sản xuất của không ít hộ dân trong tỉnh. Theo báo cáo mới đây của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích phải ngừng sản xuất cả 2 vụ Đông-Xuân và Hè-Thu gần 7.730 ha so với cùng kỳ của năm 2014 với giá trị thiệt hại trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi trên 272 tỷ đồng. Mặc dù tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện “3 không”: không để dân khát, không để dân đói, không để xảy ra dịch bệnh và đã đạt kết quả cao theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhưng thực tế cho thấy cuộc sống của nhiều nông hộ và người dân vùng bị hạn đã bị “đảo lộn” không ít bởi thu nhập thấp hoặc không có thu nhập gì đáng kể để khả dĩ có thể lo cho một số nhu cầu chi tiêu cần thiết!.
Tuy nhiên, qua hạn hán cũng đã “vỡ vạc” ra nhiều điều. Đầu tiên là ý thức sử dụng nước tiết kiệm đã “hiện hữu” rõ ràng trong nhiều người dân.
Nông dân xã Nhơn Sơn (Ninh Sơn) chuyển đổi đất trồng hoa màu sang trồng nho. Ảnh: Sơn Ngọc
Từ ý thức này bà con đã mạnh dạn đầu tư hay hợp tác đầu tư để tìm nguồn nước ngầm với mong muốn sử dụng lâu dài, không chịu “khuất phục” trước nắng hạn, kèm theo đó là chuyển đổi cây trồng chịu hạn. Không phải là cây trồng mới nhưng qua đợt hạn đã thêm một lần khẳng định hiệu quả về nhiều mặt của cây nho, nhất là hiệu quả về kinh tế và tiết kiệm lượng nước đáng kể so với một số cây trồng khác. Cũng chính vì lẽ đó mà từ đầu năm đến nay, cây nho trong tỉnh đã tăng mạnh, trên 21% với tổng diện tích gần 1.050 ha, trong số này nho đã cho trái trên 865 ha, tăng 25,8% so cùng kỳ. Đáng nói là năng suất cũng tăng đáng kể với trên 6,4%, góp phần nâng sản lượng trái trên 20.360 tấn, tăng 33,8% so cùng thời gian này năm trước. Mô hình công nghệ mới tưới phun tiết kiệm nước tầm thấp ngày càng mở rộng ở nhiều địa phương, nhất là vùng trồng rau màu, nho trên đất cát. Mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa tiếp tục lan rộng, riêng vụ hè thu vừa qua đã có trên 4.900 hộ tham gia với diện tích trên 2.375 ha... Với một số cách làm sáng tạo, chuyển đổi cây trồng hợp lý để khả dĩ “sống chung” với hạn đã mang lại nhiều kết quả. Theo phân tích của ngành Nông nghiệp và PTNT, trong điều kiện hạn hán tác động trên diện rộng là vậy nhưng dự kiến giá trị sản xuất nông nghiệp năm nay chỉ giảm nhẹ với 0,64% mà thôi!.
Vấn đề đặt ra là hiệu quả đã rõ ràng nhưng vì sao chuyển đổi chậm, diện tích chuyển đổi chỉ bằng con “số lẻ” so với tổng diện tích sản xuất bình quân trên 20.000 ha/vụ?. Qua tìm hiểu có một số nguyên nhân sau: Đầu tiên là một bộ phận nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tính hiệu quả của chuyển đổi cây trồng, nhất là từ vùng sản xuất lúa nước sang cây trồng khác. Kế đến là nhiều địa phương còn lúng túng trong việc quy hoạch vùng chuyển đổi, mới nặng về “phát” nhưng chưa “động” bằng các cách làm và giải pháp cụ thể. Công tác tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, thực hiện “dồn điền đổi thửa” để mở rộng quy mô, thuận lợi trong chuyển đổi cây trồng hoặc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới vào sản xuất…Vốn để đầu tư cho sản xuất cũng là mối lo cho không ít nông hộ bởi lẽ sau nhiều tháng “gánh hạn”, ngừng sản xuất cũng đồng nghĩa với cạn kiệt vốn. Do vậy, rất cần có chính sách hỗ trợ cần thiết để nông hộ đầu tư chuyển đổi cây trồng…
Chuyện tưởng rằng dễ hóa ra lại… không dễ chút nào nếu như thiếu quyết tâm cộng với thiếu những giải pháp toàn diện, thiết thực cả từ phía ngành chức năng, địa phương và chính người dân trong cuộc. Có ý kiến rất đúng rằng, một khi việc chuyển đổi cây trồng này thực sự trở thành “mệnh lệnh” của cuộc sống thì mới có thể thành công!.
H.H