Ông Eric Sidgwick. Ảnh: VGP/Xuân Tuyến
Ông có nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam từ đầu năm đến nay ?
Ông Eric Sidgwick: Mới đây ADB đã đưa ra dự báo về mức tăng trưởng 6,5% của Việt Nam cho cả năm 2015, dựa trên những kết quả mà đất nước các bạn đã nỗ lực đạt được trong 9 tháng đầu năm. Đây là mức tăng trưởng cao hơn so với dự báo chúng tôi đưa ra vài tháng trước đây. Đã có thời điểm chúng tôi dự báo kinh tế Việt Nam sẽ chỉ tăng trưởng ở mức 6,1% trong năm 2015.
Kinh tế Việt Nam có thể đạt được mức tăng trưởng cao nêu trên, theo chúng tôi có 3 nguyên nhân chính. Trước hết, kinh tế vĩ mô tiếp tục được ổn định, lạm phát được giữ ở mức thấp, các chính sách tiền tệ, tài khóa phù hợp với diễn biến thị trường.
Thứ hai, dòng vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, trong đó tập trung nhiều vào lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu, đã giúp hai lĩnh vực này có mức tăng trưởng ấn tượng. Cũng khá trùng hợp là vào đúng thời điểm này, một số nước trong khu vực lại gặp khó khăn trong xuất khẩu, do đó Việt Nam đã có thêm lợi thế để tăng xuất khẩu.
Nguyên nhân thứ ba, theo chúng tôi, là nhu cầu tiêu dùng nội địa đã tăng lên, người dân đã sẵn sàng chi tiền hơn và điều này giúp ích cho phát triển kinh tế.
Đây chính là ba yếu tố đã thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong tháng 9 và 9 tháng đầu năm. Đây cũng là cơ sở để chúng tôi đưa ra mức dự báo tăng trưởng cao hơn cho cả năm nay.
Ông Eric Sidgwick nhận chức vụ Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam ngày 7 tháng 9 năm 2015. Với cương vị Giám đốc Quốc gia, ông Sidgwick chịu trách nhiệm chính trong việc đưa ra các ưu tiên và bảo đảm thực hiện hiệu quả các chương trình hỗ trợ của ADB cho Việt Nam. Ông Sidgwick cũng giữ vai trò chỉ đạo trong việc chuẩn bị chương trình và chiến lược quốc gia cho những năm tiếp theo của ADB tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020. (Nguồn: ADB)
ADB dự báo như thế nào về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong 3 tháng cuối năm 2015, và cả năm 2016, thưa ông?
Ông Eric Sidgwick: Chúng tôi cho rằng, sự tăng trưởng ổn định mà chúng ta đã thấy trong 9 tháng đầu năm của Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì trong thời gian tới theo chiều hướng tích cực. Có khá nhiều tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, do đó, chúng tôi vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng khoảng 6,5% cho cả năm nay đối với đất nước các bạn, nhưng năm 2016 thì sẽ cao hơn. Tại thời điểm này ADB đang đưa ra dự báo khoảng 6,6%.
Theo tôi có một số điểm cần nhấn mạnh ở đây. Tốc độ tăng trưởng cao là một điều quan trọng. Nhưng nếu nhìn về dài hạn, thì tôi cho rằng điều quan trọng hơn là duy trì được một giai đoạn tăng trưởng ổn định, thay vì tập trung để có một giai đoạn tăng trưởng nóng, theo sau đó là một giai đoạn lạm phát cao như thời gian qua. Do đó, tôi cho rằng tốc độ tăng trưởng trong khoảng 6-6,5% là phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đương nhiên, như tôi đã nói, trong vài năm tới, tốc độ tăng trưởng sẽ cao hơn một chút, phụ thuộc vào các yếu tố đầu vào của nền kinh tế.
Nhưng việc duy trì tăng trưởng ổn định trong khoảng từ 6-6,5%/năm hoặc cao hơn một chút vẫn là không hề dễ dàng.
Ông Eric Sidgwick: Đúng là như vậy, đặc biệt là nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng này ổn định trong một thời gian dài. Thực tế đã chứng minh không nhiều quốc gia trên thế giới làm được điều này. Việt Nam là một trong những nước đã duy trì được một giai đoạn tăng trưởng ổn định ở mức cao trong suốt một thời gian dài. Có thể nói, các bạn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Nhưng tôi vẫn cho rằng duy trì tăng trưởng ổn định trong khoảng 7%/năm trong một thời gian dài đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của mỗi quốc gia.
Vậy đâu là những thách thức lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Eric Sidgwick: Tôi cho rằng những thách thức với nền kinh tế là không dễ để có thể xác định một cách rõ ràng. Nhưng tôi thấy có một số yếu tố có thể nêu ra ở đây. Trước hết, cơ sở hạ tầng của Việt Nam hãy còn thiếu và chưa đồng bộ. Việt Nam vẫn cần phải xây dựng rất nhiều cầu, đường. Nhưng vấn đề chưa dừng ở đó, vẫn cần có thêm những cơ sở hạ tầng “mềm” nhằm đảm bảo cho giao thông được thuận lợi, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường xuất khẩu.
Thách thức thứ hai với Việt Nam, theo tôi, không chỉ là việc thu hút thật nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nền kinh tế, mà cùng với đó phải phát triển mạnh mẽ khu vực tư, để làm sao tạo ra một “cú hích” cho sự tăng trưởng cả về số lượng, quy mô cũng như vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, làm sao để các doanh nghiệp tư nhân trong nước trở thành lực lượng quan trọng nhất đóng góp cho tăng trưởng. Nếu làm được như vậy, chắc chắn Việt Nam sẽ cải thiện được môi trường đầu tư, kinh doanh.
Việc này cũng liên quan mật thiết đến một nhiệm vụ mà gần đây được đề cập đến rất nhiều, đó là cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Tôi cho rằng đây là việc khó, nhưng muốn phát triển ổn định, nhất định Việt Nam phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Thách thức thứ ba với kinh tế Việt Nam, theo tôi là làm sao phát triển được thị trường vốn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được vốn dễ dàng, thuận lợi và ổn định hơn.
Thách thức thứ tư là phải làm sao nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ của người lao động Việt Nam. Một nguyên tắc chung trong quá trình chuyển đổi từ một nước thu nhập trung bình thành nước thu nhập cao đó là có một nguồn lao động được đào tạo, có kỹ năng cao. Đây chính là lực lượng lao động quan trọng tạo ra động lực phát triển cho doanh nghiệp, mà rộng ra là cho cả nền kinh tế.
Để duy trì sự tăng trưởng ổn định, Chính phủ nên tập trung vào lĩnh vực nào, thưa ông?
Ông Eric Sidgwick: Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã và đang làm những việc cần phải làm.
Một nội dung tôi muốn đề cập ở đây, là tốc độ của quá trình đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế. Chính phủ đã đưa ra một lộ trình cụ thể, và tôi cho rằng lộ trình này sẽ còn chi tiết hơn nữa sau khi kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 được công bố. Vấn đề đặt ra là đã có một số lĩnh vực chậm được đổi mới. Và nếu một hay một vài lĩnh vực nào đó chậm lại, thì chắc chắn chi phí cơ hội sẽ cao hơn, hay nói cách khác nền kinh tế Việt Nam sẽ đánh mất đi nhiều cơ hội thuận lợi. Mặt khác, nhiều lĩnh đòi hỏi phải được tái cấu trúc một cách căn cơ, và do đó cần thiết phải có sự thay đổi tư duy một cách bài bản và triệt để.
Ông bình luận như thế nào về những tác động từ các yếu tố bên ngoài đến sự phát triển của kinh tế Việt Nam?
Ông Eric Sidgwick: Tôi cho rằng thị trường xuất khẩu của Việt Nam chưa thực sự đa dạng, tương tự, thị trường nhập khẩu cũng như vậy. Đây là yếu tố rủi ro rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay. Do đó, một trong những yêu cầu quan trọng là Việt Nam phải đa dạng hóa được thị trường của mình, mở thêm được nhiều thị trường mới bên cạnh những thị trường truyền thống hiện nay.
Cùng với đó, thị trường nội địa cũng chưa thực sự phát triển. Rõ ràng là Việt Nam cần phát triển thị trường nội địa trở thành thị trường tiêu thụ lớn nhất với những sản phẩm trong nước.
Ông đánh giá như thế nào về việc sử dụng những công cụ chính sách tài khóa, tiền tệ của Chính phủ Việt Nam để ứng phó với những thách thức trong thời gian qua?
Ông Eric Sidgwick: Theo tôi trong 9 tháng đầu năm vừa qua, đúng hơn là liên tục từ năm 2011 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện được những chính sách tài khóa, tiền tệ rất quan trọng, mà nhiều trong số đó là hết sức “nhạy cảm” với thị trường. Chính sách tiền tệ hiện đang rất phù hợp với diễn biến thị trường, lạm phát được giữ ổn định ở mức thấp. Chính sách tài khóa cũng đang có sự “hòa nhịp” rất ăn ý với các chính sách tiền tệ nhằm thực hiện được các mục tiêu điều hành của Chính phủ.
Tuy nhiên trong thời gian tới, các chính sách tài khóa cũng cần được cân nhắc, tính toán thêm, để làm sao vừa tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, những cũng phải đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, giảm dần bội chi.
Xin cảm ơn ông.
Nguồn chinhphu.vn