Kiều Như Bổn
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy
|
Kiều Như Bổn Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy |
(NTO) Kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10/1930- 15/10/2015) là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử xây dựng, trưởng thành và phát triển hệ thống dân vận của Đảng và đánh giá kết quả 5 năm triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 thành công tốt đẹp.
85 năm qua, gắn liền với những chặng đường vẻ vang của Đảng, công tác Dân vận đã góp phần quan trọng vận động, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định công tác Dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Cùng với cả nước, ở Ninh Thuận, lịch sử công tác Dân vận luôn gắn liền với lịch sử cách mạng của Đảng bộ tỉnh. Ngày nay trong điều kiện mới, công tác Dân vận của Đảng luôn được Đảng bộ tỉnh, các cấp ủy Đảng thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung hướng về cơ sở vận động toàn dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, ổn định chính trị, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Sự chuyển biến tích cực của công tác Dân vận trong toàn tỉnh thể hiện rõ nét qua nhiều hình thức hoạt động phong phú vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Nhiều hộ dân ở thôn Thái Hòa (xã Phước Thái, Ninh Phước) hiến đất làm đường
giao thông nông thôn. Ảnh: Văn Miên
Trong 5 năm qua (2011-2015), thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở hằng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức phong trào thi đua và đăng ký thi đua trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Từ đó, nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” xuất hiện và trở thành nội dung thi đua gắn kết, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hành phong cách dân vận cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… sâu sát cơ sở, “Gần dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Qua đóng góp tích cực của phong trào “Dân vận khéo” xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn tỉnh ta từng bước được cải thiện, hạ tầng giao thông, thủy lợi, nhà ở, trường học, y tế... có nhiều đổi mới, tiến bộ hơn so với trước. Tính đến cuối tháng 9, đã có 6 xã hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng NTM là Thành Hải (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm); Tri Hải (Ninh Hải); Phước Thái, Phước Thuận, Phước Sơn (Ninh Phước) và Công Hải (Thuận Bắc). Và hiện nay, các địa phương đang tập trung thi đua phấn đấu đến cuối năm 2015 có thêm nhiều xã đạt 19 tiêu chí theo kế hoạch đề ra và phấn đấu không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Để tiếp tục phát huy và đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua “Dân vận khéo” thực hiện chương trình xây dựng NTM, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, trong thời gian tới cần tập trung vào một số nội dung trọng tâm:
Một là, Ban Dân vận các cấp tiếp tục tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” cùng với các phong trào thi đua yêu nước; gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Hai là, các ngành, các cấp chính quyền cần phối hợp chặt chẽ với Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua và nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và các phong trào thi đua yêu nước nhằm huy động mọi nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng NTM.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác Dân vận, nhất là công tác Dân vận trong các cơ quan nhà nước; gắn phong trào “Dân vận khéo” với công tác cải cách hành chính, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.
Năm là, Mặt trận, các đoàn thể tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trong việc giám sát và phản biện xã hội.
Sáu là, tiếp tục phát hiện, xây dựng các mô hình, điển hình mới, đồng thời quan tâm bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình đã xây dựng trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa trên khắp các lĩnh vực của đời sống xã hội.