Tuy nhiên, qua thực tế 30 năm đổi mới, nay nhìn lại một cách nghiêm túc và thẳng thắn, sẽ thấy có những vấn đề cần phải xem lại. Không thể nói chúng ta đã lựa chọn các chiến lược phát triển tốt rồi, cứ thế mà làm, không có gì phải nghĩ, phải bàn nữa.
Thử xem chúng ta đã có thứ hàng công nghiệp gì của Việt Nam xuất khẩu ra thế giới? Hầu như chưa có gì đáng kể. Trong mấy chục năm nay, qua các kỳ đại hội và các kế hoạch 5 năm, chúng ta đã xác định hàng chục ngành ưu tiên (mũi nhọn). Đến nay hỏi lại không rõ Việt Nam đang ưu tiên cho mũi nhọn nào và câu trả lời thường không thống nhất. Chúng ta đã từng lựa chọn nhiều ngành, sản phẩm khác nhau để phát triển như: công nghiệp nặng, xi măng, sắt thép, cơ khí, ô tô, đóng tàu, khai thác Bốc-xít, công nghiệp chế biến, các nhà máy mía đường… đến nay có thể nói về cơ bản chưa có cái nào thành công để tham gia có thương hiệu với thị trường quốc tế hoặc đem lại hiệu quả cao ở thị trường trong nước. Không ít chương trình đã thất bại (như các nhà máy mía đường, nội địa hóa ô tô, đóng tàu thủy chẳng hạn…).
Ảnh minh họa. (Nguồn: chinhphu.vn)
Ta nói Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đến nay bình quân giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha rất thấp, thua xa so với những nước không có điều kiện bằng ta. Nói Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch, nhưng du lịch của ta còn quá ít, cũng thấp xa so với nhiều nước có điều kiện kém hơn ta nhiều.
Năng suất lao động xã hội và thu nhập bình quân đầu người quá thấp, đang rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình thấp, mà sẽ mất nhiều chục năm để vùng vẫy thoát ra, hiệu quả đầu tư kém, nợ nần ngày càng tăng và chưa thấy rõ nguồn tài chính để trả nợ. GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 bằng 3/5 Indonesia, 2/5 Thái Lan, 1/5 Malaysia, 1/15 Hàn Quốc và 1/27 của Singapore. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đi sau Thái Lan 20 năm, Malaysia 25 năm, Hàn Quốc 30-35 năm. Giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu của Việt Nam năm 2012 chỉ 32,9 tỉ USD, trong khi đó, Philippines 264,1 tỉ USD, Thái Lan 383 tỉ USD, Indonesia 396,8 tỉ USD, Singapore 414,1 tỉ USD, Malaysia 476,3 tỉ USD.[1] Nguồn lao động chất lượng cao còn rất thiếu. Công nghệ lạc hậu 2 – 3 thế hệ so với mức trung bình của thế giới. Thị trường trong nước bị mất dần, ta thua ngay ở sân nhà. Người Việt Nam phải đi làm thuê ngày càng nhiều, kể cả đi nước ngoài và ngay ở trong nước… Tình hình có đúng như thế không? Nếu đúng thì chiến lược phát triển của chúng ta không thể không có vấn đề.
Phân tích tình hình để suy nghĩ tìm hướng đi mới khả thi và hiệu quả hơn. Muốn tìm được hướng mới thì phải thảo luận thẳng thắn, dân chủ, nhiều người tham gia ý kiến, có phản biện, có tranh luận, lắng nghe nhau. Với tinh thần đó, tôi xin nêu một số ý kiến để các cơ quan liên quan và bạn đọc tham khảo.
Nước ta có những lợi thế đáng kể để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới; một nền nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm và dịch vụ); và một số ngành công nghiệp phụ trợ.
Ngày nay, trên thế giới, du lịch được coi là một trong những ngành kinh tế hàng đầu, phát triển với tốc độ cao; được xem là sứ giả hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc. Du lịch có xu hướng thị trường ngày càng mở rộng, nhu cầu du lịch của con người ngày càng tăng, đã vượt qua ngành sản xuất ô tô và ngành dầu khí để trở thành ngành công nghiệp lớn nhất thế giới, dự báo 5 năm tới sẽ đạt 10% GDP toàn cầu (tương đương khoảng 10 nghìn tỷ USD). Du lịch không bị sức ép cạnh tranh như công nghiệp (nước này phát triển phải thúc đẩy nước khác cùng phát triển để đưa khách đi và nhận khách đến). Du lịch có giá trị gia tăng khá cao, còn tạo thu nhập xã hội gấp hơn hai lần so với doanh thu, các trung tâm du lịch ở thế giới và Việt Nam đều có mức sống cao hơn hẳn các vùng lân cận, ít ô nhiễm môi trường so với công nghiệp, thúc đẩy việc bảo vệ và tôn tạo cảnh quan làm cho đất nước đẹp hơn lên. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực cho du lịch không quá khó, sử dụng lao động nhiều, gấp 3 lần ngành tài chính, 4 lần ngành khai thác khoáng sản, 6 lần ngành sản xuất ô tô. Ở Việt Nam, du lịch phát triển còn quá ít so với tiềm năng, vậy mà đã sử dụng được 1,7 triệu lao động (năm 2013), nếu phát triển gấp 10 lần so với hiện nay (hoàn toàn khả thi) thì có thể sử dụng hàng chục triệu lao động. Con số ấy thật có ý nghĩa khi Việt Nam đang còn nhiều lao động không có việc làm. Ngoài việc thu được kinh tế, du lịch còn thúc đẩy phát triển con người (do tiếp biến với các nền văn hóa khác nhau, với con người ở nhiều nước văn minh đến, chứ không phải tiếp xúc chủ yếu với máy móc như công nghiệp cơ khí).
Nước ta có tiềm năng du lịch hơn Thái Lan, nhưng hiện nay ta mới có 8 triệu lượt khách quốc tế, trong khi Thái Lan 28 triệu lượt khách, doanh thu 42 tỷ USD. Singapore nhỏ như vậy, rất ít tiềm năng du lịch, dân số hơn 5 triệu người, vậy mà khách du lịch gần 30 triệu, thu nhập từ du lịch đạt 30 tỷ USD. Hồng Kông cũng vậy, tiềm năng thua xa Việt Nam, dân số hơn 7 triệu người, mà thu nhập từ du lịch gần 80 tỷ USD. Nước Áo dân số hơn 8 triệu người, mà đã có gần 21 triệu khách du lịch, doanh thu 19 tỷ USD. Tây Ban Nha dân số khoảng một nửa Việt Nam, có lượng khách 57 triệu lượt người. Nước Italia dân số 58 triệu người, khách du lịch gần bằng dân số, doanh thu trên 136 tỷ Euro, cộng với thu nhập xã hội liên quan đến du lịch chiếm 63% GDP (công nghiệp 33%, nông nghiệp 4%), đạt khoảng 1000 tỷ Euro trong GDP…
Du lịch phát triển sẽ kéo theo sự phát triển các ngành dịch vụ khác (khách sạn, nhà hàng, ẩm thực, thương mại, may mặc thời trang, văn hóa dân tộc, sản xuất hàng mỹ nghệ, vận tải hành khách…). Cứ mỗi việc làm trong ngành du lịch ước tính tạo ra hai việc làm cho các ngành khác. Ẩm thực là lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng phát triển tốt. Ta có nhiều món ăn đặc sản của các vùng miền rất đa dạng, phong phú, có thể tạo thành “bếp ăn” hấp dẫn của thế giới, nhiều sản phẩm nông nghiệp sẽ “xuất khẩu tại chỗ”, vòng quay của vốn nhanh, tỷ suất lợi nhuận cao. Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ra về, khi hỏi họ thích món ăn gì của Việt Nam, họ trả lời rất thích món phở. Làm phở để bán cho khách đối với người Việt không phải là việc khó.
Để phát triển du lịch, nước ta cần mạnh dạn mở cửa, bỏ vi – sa cho nhiều nước nữa, thực hiện tốt công tác quảng bá du lịch ra quốc tế, quản lý và xây dựng môi trường du lịch tốt, tổ chức thêm các đường bay thẳng, kết nối các tua tuyến du lịch quốc tế để đón khách vào Việt Nam.
Nông nghiệp công nghệ cao ở các nước, rất nhiều nơi đã đạt 3-4 tỷ đồng giá trị sản phẩm/ha, nhiều nơi khác đạt 20 tỷ đồng/ha, riêng Israel cao nhất đã đạt 60 tỷ đồng (tính theo tiền Việt Nam), trong khi điều kiện của Israel khó khăn hơn ta rất nhiều. Thực tế ở Việt Nam đã có một số nơi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đạt giá trị sản phẩm 2 – 3 tỷ/ha, cá biệt cũng có chỗ hơn 10 tỷ/ha. Tất nhiên còn quá ít những nơi như vậy. Nếu Việt Nam đạt mức 1/10 của họ (của 20 tỷ trên 1 ha) thì chỉ cần 30% diện tích canh tác đã có thể đạt giá trị sản phẩm gấp 1,5 lần GDP của cả nước hiện nay. Lĩnh vực nông nghiệp có giá trị gia tăng khá, giải quyết được nhiều lao động, giảm bớt di dân ra thành phố và giảm ra nước ngoài làm osin…
Để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ vào nông nghiệp; tổ chức tốt công tác thị trường, điều chỉnh chính sách đất đai nhằm tạo điều kiện cho người nông dân làm chủ tư liệu sản xuất chủ yếu và có thể tự nguyện tích tụ để mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa; trên cơ sở của kinh tế hộ gia đình phát triển lên, vượt ra ngoài ranh giới của hộ, mà hình thành một cách tự nhiên các đơn vị kinh tế hợp tác nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Nhìn lại quá trình phát triển của thế giới mấy thế kỷ qua cho thấy, loài người đã chuyển từ nền văn minh nông nghiệp sang nền văn minh công nghiệp dựa vào công cụ lao động chủ yếu là máy móc. Và hiện tại, đang chuyển từ văn minh công nghiệp sang văn minh hậu công nghiệp dựa vào công cụ lao động chủ yếu là máy vi tính. Xu hướng này còn đang phát triển rất xa nữa và sẽ tạo ra nhiều điều kỳ diệu nữa. Công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người. Trong và đồng thời với quá trình đó, kinh tế tri thức và kỷ nguyên thông tin cũng phát triển theo, đạt đến trình độ rất hiện đại. Trước đây, mỗi lần có bước nhảy vọt của nền văn minh thường gắn với những tiến bộ về công cụ lao động là phương tiện vật chất. Riêng công cụ máy vi tính lại gắn kết chặt chẽ với nguồn lực phi vật chất (như thông tin, tri thức, dữ liệu…), đó là nguồn chất xám – cái nguồn lực đã làm cho con người trở thành chúa tể của muôn loài, nó nhân lên khả năng lan tỏa với tốc độ cực nhanh (có người gọi là tốc độ “ánh sáng”). Nhìn xuyên suốt quá trình phát triển của nền văn minh nhân loại cho thấy, cuộc cách mạng sau so với cuộc cách mạng trước thì tiến độ khẩn trương hơn, quy mô rộng lớn hơn, tiến bộ vượt trội hơn và hiệu quả gấp bội lên. Hiện nay, thời đại chúng ta đang chứng kiến như nhiều nhà nghiên cứu đã gọi là cuộc Siêu cách mạng[2]. Trong cuộc này, xu hướng tin học hóa và toàn cầu hóa ngày càng lan rộng trên tất cả các lĩnh vực, với phần mềm làm cốt lõi. Công nghiệp phần mềm là bộ phận chủ chốt của công nghệ thông tin và thế giới thông tin sẽ giữ vai trò trung tâm trong cuộc Siêu cách mạng này. Thương mại điện tử, tiền tệ điện tử, thư viện điện tử và đào tạo từ xa, chính phủ điện tử, chiến tranh điện tử… là những biểu hiện của xu hướng tất yếu này và sẽ phát triển vô cùng thần kỳ trong thế kỷ 21.
Các nước công nghiệp phát triển đã đi từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp phát triển và sau đó bước vào kinh tế tri thức. Nếu nước ta đi theo con đường và tuần tự ấy thì mãi chậm hơn, lạc hậu hơn và gặp muôn vàn khó khăn. Cho nên phải đi tắt đón đầu – chọn con đường ngắn và nhanh nhất. Công nghiệp phần mềm sẽ giúp đưa nước ta tiến thẳng vào nền kinh tế tri thức. Trong quá trình tin học hóa, gia công phần mềm, chúng ta sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức hiện đại. Các hợp đồng thực hiện phần mềm thường từ các nước và các ngành phát triển nhất, từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, vì vậy tri thức và công nghệ ta thu được cũng là hiện đại nhất[3]. Việc cập nhật và tích lũy tri thức này sẽ nhanh chóng nâng cao, hiện đại hóa vốn tri thức và công nghệ của nước ta.
Qua khảo sát thực tế ở các doanh nghiệp CNTT (phần mềm và dịch vụ) cho thấy, lĩnh vực này có giá trị gia tăng cao, vốn đầu tư không quá lớn, việc chuẩn bị mặt bằng không khó lắm, thị trường còn rộng lớn, đầu ra rất nhiều, sử dụng nhiều lao động, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng rất phù hợp phát triển lĩnh vực này, việc đào tạo lao động có tay nghề hoàn toàn có thể thực hiện được. Công nghiệp phần mềm sử dụng năng lượng ít, để khỏi phải làm những nhà máy điện hạt nhân vừa mất rất nhiều tiền lại vừa nguy hiểm cho dân tộc và không có lợi cho độc lập của quốc gia. CNTT còn tác động lan tỏa sang tất cả các ngành khác, hiện đại hóa, nâng cao năng suất và hiệu quả của các ngành ấy. Theo dự báo của Hiệp hội phần mềm Việt Nam và Tập đoàn FPT thì năm 2020 ở nước ta cần 1 triệu lao động và sẽ thiếu khoảng 400 nghìn lao động kỹ thuật, đó là chưa tính khi tập trung phát triển mạnh hơn nữa thì lĩnh vực này sẽ cần đến nhiều triệu lao động. Các ngành công nghiệp khác phải sử dụng nguồn tài nguyên vật chất, mà tài nguyên vật chất thì có giới hạn và nước ta cũng không phải giàu có lắm về tài nguyên, tất cả rồi sẽ cạn kiệt. Riêng công nghiệp phần mềm thì sử dụng chủ yếu là tài nguyên chất xám – loại tài nguyên mà khi sử dụng không mất đi, không giảm xuống, lại còn tăng thêm, cho nên nó trở thành nguồn tài nguyên vô tận, ta vừa được kinh tế vừa được con người – yếu tố quyết định cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước, đồng thời con người cũng là mục tiêu quan trọng nhất của sự phát triển. Khi sử dụng nguồn tài nguyên chất xám của con người Việt Nam cũng có nghĩa là dựa chính vào nội lực. Mà nội lực mới là sức mạnh chủ động và to lớn, còn ngoại lực bao giờ cũng có giới hạn và bị động, có khi phụ thuộc. Để bảo đảm thành công của chương trình công nghiệp phần mềm phải nhận thức cho được tầm quan trọng của vấn đề, tập trung hành động, giải quyết chính sách, tổ chức tiếp cận thị trường và đặc biệt là gấp rút chuẩn bị đội ngũ lập trình viên có trình độ quốc tế, đưa các trường đại học và cao đẳng tham gia vào sản xuất phần mềm, vừa tạo phát triển kinh tế vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả của quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao – cái mà cuộc đổi mới giáo dục đang yêu cầu.
Trước đây, trong thời kỳ đại công nghiệp cơ khí, các nước công nghiệp hóa phổ biến phát triển các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp cơ bản. Nay đang chuyển sang thời đại hậu công nghiệp, kinh tế tri thức, mà thế giới lại hội nhập, thị trường chung toàn cầu, ngoại thương và nội thương nhích lại gần nhau và có khả năng một ngày kia sẽ hợp nhất lại, nước này có sản phẩm công nghiệp thì nước kia cũng sẽ có. Nước ta hoàn toàn có thể sử dụng sản phẩm công nghiệp của thế giới mà không cần phải tự mình sản xuất ra tất cả mọi thứ, trừ một ít công nghiệp phục vụ trực tiếp cho quốc phòng. Lựa chọn công nghiệp phụ trợ là hướng đúng. Cần cụ thể hóa rõ hơn, xem thử Việt Nam ta nên chọn công nghiệp phụ trợ gì (?) để có hiệu quả, có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu và có tác động trực tiếp “phụ trợ” cho các ngành khác của Việt Nam phát triển. Công nghiệp phụ trợ thường đi với các ngành khác, dù có thể không nằm cạnh nhau. Việt Nam ta phát triển công nghiệp phụ trợ trên cơ sở có sự phân công lao động quốc tế của các tập đoàn lớn đa quốc gia. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho nền nông nghiệp công nghệ cao, cho ngành du lịch và công nghiệp phần mềm cần được quan tâm khi tính đến các ngành công nghiệp “phụ trợ”. Trong cụm từ “cơ cấu kinh tế” thì “cơ” là mối quan hệ hữu cơ của các bộ phận cấu thành nền kinh tế. Không phải cứ nằm cạnh nhau trên một lãnh thổ là có cơ cấu. Chỉ khi nào các ngành ấy có quan hệ hữu cơ, tác động qua lại thúc đẩy lẫn nhau thì khi ấy mới có một cơ cấu kinh tế tốt. Chính công nghiệp phụ trợ sẽ đóng vai trò quan trọng nhất trong hình thành quan hệ cơ cấu ngành, ngoài việc nó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nền công nghiệp thế giới.
Ngoài 4 ưu tiên vừa nói, cần lưu ý một vấn đề khác nữa. Lợi thế đặc thù của Việt Nam thuộc về vị trí địa kinh tế. Nằm dưới ngã 4 của các đường bay quốc tế và trên hành lang của đường hàng hải quốc tế Đông – Tây và Bắc – Nam. Cần có chiến lược để phát triển thành đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế quốc tế. Việc này sẽ tạo ra tác động lớn thúc đẩy nhiều ngành kinh tế phát triển và cũng làm cho vị thế của Việt Nam tăng lên, các nước lân cận cũng cần đến các đầu mối giao thông và giao lưu ấy trong quá trình hội nhập, hợp tác, liên kết, tác động và phụ thuộc lẫn nhau do lợi thế của mỗi bên. Nhìn lại lịch sử phát triển của thế giới và của Việt Nam cho thấy, những nơi phát triển nhất đều có liên quan trực tiếp đến các đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế.
Để đất nước có thể phát triển tốt, tất nhiên còn nhiều việc phải bàn kỹ, như chiến lược năng lượng, quy hoạch hạ tầng, vấn đề nguồn nhân lực, cơ chế chính sách, hệ thống tài chính ngân hàng, cách quản trị quốc gia… nhưng việc lựa chọn cơ cấu ngành trong chiến lược kinh tế là hết sức quan trọng, để không đi lòng vòng, tốn công sức, có thể tiến nhanh và hiệu quả. Lâu nay chúng ta hay nói về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế, và không ít lúng túng trong thực tế. Việc lựa chọn đúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành và tích cực thực hiện nó là loại việc quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà.
[1] Việt Nam tụt hậu bao xa so với láng giềng? Tư Hoàng, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, số 36, ngày 3-9-2015
[2] Tham khảo ý kiến của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT
[3] Tham khảo ý kiến của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam