Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà doanh nghiệp thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp đỡ giới thương nhân trong công cuộc kiến thiết này…”. Xác lập vị thế của giới doanh nhân cũng như những đóng góp to lớn vào quá trình đi lên của đất nước, năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn ngày 13-10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, ngày 9/12/2011 Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về vấn đề Doanh nhân với nội dung “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Viêt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nhiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận vào ca sản xuất. Ảnh: Văn Miên
Có thể nói, Nghị quyết nói trên đã thực sự ghi nhận vai trò quan trọng của doanh nhân trong hệ thống chính trị - xã hội nước ta; tạo động lực tinh thần to lớn, củng cố và khẳng định niềm tin để doanh nghiệp và người dân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Trải qua chặng đường 70 năm, cộng đồng doanh nhân nước ta không ngừng lớn mạnh và ngày càng khẳng định vai trò của mình trong công cuộc dựng xây và kiến thiết nước nhà. Nhất là từ thực tiễn sau 30 năm đổi mới, nước ta từ một nước kém phát triển trở thành nước đang phát triển, trong đó không thể thiếu vai trò to lớn của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân luôn thể hiện tài năng, trí tuệ và bản lĩnh, xứng đáng là “đội quân chủ lực, lực lượng chủ công, đội quân xung kích” trong công cuộc phát triển kinh tế, giao thương quốc tế. Sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân không chỉ góp phần làm cho “nước mạnh” mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần giải quyết tốt công tác an sinh xã hội.
Đối với tỉnh ta, với trên 1.200 doanh nghiệp hiện có, những năm qua tỉnh luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn bằng các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.Đặc biệt, tỉnh ta đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 09 (ngày 9-12-2011) của Bộ Chính trị, Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy “Về phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định 27/2014/QĐ-UBND ngày 1-4-2014, ban hành “Đề án Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh đến năm 2020”. Nhiều doanh nghiệp đã hoạt động hiệu quả, đóng góp gần 70% cho ngân sách tỉnh và hàng năm đã góp phần tạo việc làm cho không dưới 20.000 lao động địa phương…
Tuy nhiên, với tiến trình hội nhập ngày càng rộng mở cho thấy đã bộc lộ những mặt hạn chế trong cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đó là, phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân quy mô còn nhỏ, thiếu liên kết, khả năng ứng phó với các rủi ro yếu; thể chế kinh tế chưa hoàn thiện; môi trường cạnh tranh chưa bình đẳng, minh bạch; chính sách hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực chưa thông suốt… đã làm cho không ít doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thiếu khả năng đóng góp cho nền kinh tế đất nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng. Để doanh nghiệp nước nhà thực sự đứng vững trên đôi chân của mình, yêu cầu đặt ra là doanh nghiệp Việt phải tỏ rõ được năng lực cạnh tranh, tiềm năng phát triển, đồng thời xác định tính ưu việt của ngành kinh doanh cốt lõi phù hợp với bối cảnh mới…
Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Có chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa…” “Hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Đây thực sự là “cơ hội” để doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển quy mô cả trong nước và quốc tế.
Hy vọng rằng, bằng bản lĩnh, trí tuệ và sự nỗ lực vươn lên không ngừng của doanh nghiệp, doanh nhân nền kinh tế sẽ có bước bứt phá mới, góp phần xây dựng quốc gia thịnh vượng, phát triển.
H.H