Tôi tâm đắc với các nội dung: đánh giá tình hình, chủ trương và phương hướng nhiệm vụ trong 5 năm tới nhằm tiếp tục củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Nhân dân.
Trên cơ sở nhất trí cao với các nội dung chủ yếu của từng vấn đề trên đã được thể hiện trong dự thảo Báo cáo Chính trị, tôi xin đóng góp một số ý kiến về vấn đề “Phát huy sức mạnh khối Đại đoàn kết toàn dân tộc”, góp phần làm sâu sắc thêm quan điểm, chính sách Đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.
Dự thảo Báo cáo Chính trị chỉ rõ những nội dung chủ yếu của chính sách Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới là: Tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo…; tập hợp đoàn kết mọi người Việt Nam; tăng cường quan hệ máu thịt của Nhân dân với Đảng, nhà nước…; lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm điểm tương đồng, tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích dân tộc… là khá đầy đủ và khái quát. Song nội dung ấy chưa thể hiện một cách cụ thể đối tượng (con người, nhân dân, đồng bào…) để tập hợp trong khối Đại đoàn kết toàn dân là những ai? Theo tôi cần thể hiện rõ đối tượng đó là: mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Trên tinh thần đó, cần tiếp tục thực hiện và làm sâu sắc hơn chính sách về Đại đoàn kết dân tộc của Đảng được xây dựng và phát triển qua nhiều thời kỳ cùng với sự phát triển của đất nước. Đặc biệt là chính sách Đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ đầu của sự nghiệp đổi mới (Nghị quyết 07/NQ/TQ năm 1993 của Bộ Chính trị). Nội dung “Đại đoàn kết dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam” và “Lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích dân tộc” luôn luôn là một “hằng số”, là “mẫu số chung” cho tất cả các chủ trương, chính sách, phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát huy khối Đại đoàn kết toàn dân tộc trong mọi giai đoạn phát triển của đất nước.
Trong thời kỳ tiếp tục thực hiện sâu sắc hơn đường lối đổi mới và tích cực hội nhập, Báo cáo Chính trị cần tiếp tục xác định rõ nội hàm của “Đại đoàn kết toàn dân tộc”. Theo tôi, nội hàm đó là “Đoàn kết toàn dân tộc là đoàn kết mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam, bao gồm các giai cấp, các tầng lớp, các dân tộc, các tôn giáo, người trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài vì mục tiêu chung: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia- dân tộc.
Có như vậy mọi người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam bất kỳ ở giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo nào, người ở trong nước hay đồng bào ta ở nước ngoài đều sẽ rất tự hào được thấy mình có được vị trí xứng đáng trong khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, sẽ là điều kiện để phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo để góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Nguyễn Ngọc Minh