|
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh Giám đốc sở GD-ĐT |
Phóng viên: Đồng chí cho biết thời gian, mục đích ý nghĩa của hoạt động động này là gì ?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh: Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015 được tổ chức thống nhất trong phạm vi cả nước từ ngày 2-10 đến hết ngày 9-10-2015 với chủ đề “Chung tay xây dựng thư viện, thường xuyên đọc nhiều sách hay”. Lễ khai mạc Tuần lễ học tập suốt đời cấp tỉnh năm 2015 được tổ chức vào lúc 7 giờ 15, ngày 2-10 2015 tại Trường THPT Nguyễn Trãi.
Mục đích, ý nghĩa của Tuần lễ là: Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; hình thành thói quen đọc sách thường xuyên của mỗi người và xây dựng văn hóa đọc trong các cộng đồng; góp phân xây dựng xã hội học tập đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế; Đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện, trước hết là thư viện trường học.
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là dịp tôn vinh, giữ gìn và phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam. Việc tổ chức Tuần lễ là một hình thức tuyên truyền nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập mà Việt Nam đang hướng tới.
Phóng viên: Để cuộc vận động triển khai có hiệu quả, theo đồng chí cần có những giải pháp nào?
Đồng chí Nguyễn Bá Ninh: Để tổ chức Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2015 có chất lượng, thiết thực và hiệu quả, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Hội Khuyến học và các đơn vị có liên quan tổ chức một số hoạt động như: xây dựng thư viện ở các nhà trường, cộng đồng; tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và người dân được đọc sách, góp phần phát triển văn hóa đọc.
Đối với tỉnh ta, cần đẩy mạnh, tăng cường công tác xã hội hóa trong việc vận động quyên góp sách và phát triển thư viện ở các nhà trường, cộng đồng, tủ sách gia đình nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và mọi người dân được đọc sách góp phần phát triển văn hóa đọc. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu những cuốn sách thiết thực, phù hợp với tâm lý lứa tuổi, phù hợp với mục tiêu giáo dục. Kiên quyết không đưa vào nhà trường những sách có nội dung không phù hợp. Đổi mới hình thức hoạt động của thư viện nhà trường bằng các giải pháp như: luân chuyển sách trong thư viện nhà trường đến các các tủ sách trên lớp nhằm giúp cho việc đọc sách thuận tiện và hiệu quả hơn; xây dựng đội ngũ tình nguyện viên giới thiệu về sách, khuyến khích học sinh đọc sách... Đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng yêu cầu học sinh tự đọc, tự nghiên cứu sách để có kiến thức, kĩ năng, phát triển tư duy đáp ứng theo mục tiêu dạy học. Các cơ sở giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng tổ chức hướng dẫn cha mẹ, ông bà cách đọc sách và kể chuyện theo sách; tổ chức trao đổi với phụ huynh, học sinh quy định về thời gian đọc sách tại trường (thư viện), ở nhà và số lượng đầu sách đọc trong năm, về việc cùng tham gia đọc sách với con...
Phóng viên: Cám ơn đồng chí đã dành cho Báo cuộc trao đổi thú vị này.
Xuân Bính (thực hiện)