Bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân

Sáng ngày 24/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật về hội. Đa số các ý kiến tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật về hội nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội.

Thay mặt Chính phủ trình dự án Luật về hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, quyền lập Hội là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận. Nhà nước đã tạo điều kiện cho hội hoạt động, phát triển và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp đối với các hội thực hiện nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao. Để thể chế hoá Hiến pháp năm 2013, Luật về hội được xây dựng nhằm bảo đảm thực hiện quyền lập hội của công dân, phát huy vai trò của hội và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với hội là cần thiết.

Theo dự thảo Luật, quyền lập hội của công dân, pháp nhân Việt Nam gồm: quyền tham gia ban vận động thành lập hội; quyền tham gia thành lập hội; quyền gia nhập hội, quyền tham gia hoạt động của hội, quyền tham gia điều hành hoạt động của hội và quyền ra khỏi hội theo quy định của điều lệ hội. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội theo quy định của luật này và quy định của pháp luật có liên quan. Công dân, pháp nhân Việt Nam thực hiện quyền lập hội không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc; quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết: Thường trực Uỷ ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải ban hành Luật về hội, với những quan điểm, yêu cầu xây dựng dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ

Về đối tượng là hội không có tư cách pháp nhân (như hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn, dòng họ...), Chính phủ đề nghị không áp dụng Luật này vì các hội này không có trụ sở, không có điều lệ, hoạt động chỉ mang tính gặp gỡ, trao đổi thông tin, không có người đại diện của hội trước pháp luật.

Về vấn đề này, Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng: Đây là vấn đề cần được cân nhắc kỹ, bởi vì các tổ chức này vẫn được thành lập và hoạt động trên cơ sở nguyện vọng của người dân. Số lượng của loại tổ chức này rất lớn, nhưng theo quy định của dự thảo Luật không phải là hội thì việc quản lý nhà nước cũng như việc xử lý vi phạm pháp luật đối với loại tổ chức này sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, để bảo đảm quyền của công dân cũng như bảo đảm công tác quản lý nhà nước thì cần nghiên cứu để có sự điều chỉnh thích hợp với các loại hình tổ chức hội không có tư cách pháp nhân (không đăng ký, không được thành lập theo quy định của dự thảo Luật này).

Phó Chủ nhiệm Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền phát biểu tại Phiên họp.
(Ảnh: TTXVN)

Phó Chủ nhiệm Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền tỏ ra băn khoăn khi đặt vấn đề pháp nhân đối với hội để làm gì? Để dễ quản lý hay vì lý do gì?.

“Có nhiều chủ thể không có tư cách pháp nhân như tổ hợp tác, hộ gia đình không có tư cách pháp nhân mà vẫn quản lý được. Vậy Hội đặt ra tư cách pháp nhân với mục đích gì?. Nếu đặt ra là làm khó cho Hội vì họ tự chịu hành vi về hoạt động của mình”, ông Quyền nói.

Phó Chủ tịch liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam Nghiêm Vũ Khải bày tỏ quan điểm, không nên quy định tư cách pháp nhân vì đây là vấn đề dân sự, tuy nhiên cũng phải có quản lý để xử lý khi có tiêu cực. Theo ông Khải, Hội của ta hành chính hóa nhiều, làm hạn chế dân chủ và vai trò của Hội. Vì vậy, cần nghiên cứu để làm sao phát huy được dân chủ nhưng có quản lý, giảm đi xu thế hành chính hóa trong hoạt động của các hội.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng: "Đã là quản lý nhà nước thì bất kỳ cái gì hoạt động cũng phải quản lý chứ không phải không có tư cách pháp nhân là không quản lý, phải quản lý nhưng có điều là biện pháp khác nhau".

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, Luật có nhiều quy định quản lý nhà nước về hội là quá sâu và không khả thi. "Ví dụ việc kiểm tra điều lệ hội là can thiệp quá sâu, vì đây là nội bộ người ta, vậy bắt kiểm tra để làm gì?. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý: Luật không nên “mở” quá, nếu không sẽ khó quản lý.

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, các hội ở nước ta phát triển đa dạng với quy mô, phạm vi và tính chất hoạt động khác nhau. Về số lượng, tính đến tháng 12-2014 cả nước có 52.565 hội (483 hội hoạt động phạm vi cả nước và 52.082 hội hoạt động phạm vi địa phương), trong đó có 8.792 hội có tính chất đặc thù (28 hội hoạt động phạm vi cả nước và 8.764 hội hoạt động phạm vi địa phương).
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam