Xem xét, ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chế định Thừa phát lại

Chiều ngày 16/9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 41, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.

Thừa phát lại đang từng bước đi vào cuộc sống

Theo báo cáo của Chính phủ về tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội, hiện 13 địa phương thí điểm có 53 văn phòng Thừa phát lại (TPL) với 134 thừa phát lại, 295 thư ký chuyên môn. Về loại hình, khoảng 50% các Văn phòng TPL được tổ chức theo hình thức công ty hợp danh và 50% được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp tư nhân.

 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo về tổng kết việc triển khai tiếp tục
thực hiện thí điểm chế định Thừa phát. (Ảnh: TTXVN)

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết: Mặc dù vẫn còn một số tồn tại, hạn chế về số lượng, kết quả hoạt động của một số Văn phòng TPL còn chưa cao, chưa đồng đều ở các địa phương thí điểm; việc triển khai thành lập các văn phòng chậm… song kết quả triển khai trong thời gian qua đã khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm TPL đã được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Qua đó cho thấy, việc thực hiện thí điểm TPL là một hướng đi đúng về cải cách tư pháp, phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội và hoạt động tư pháp của nước ta cũng như xu thế hội nhập quốc tế.

Để chế định TPL được thực hiện có hiệu quả tại nước ta trong thời gian tới, Chính phủ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết cho thực hiện chế định TPL; cho phép xây dựng Luật TPL.

Cơ bán tán thành ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện chế định TPL

Trình bày báo cáo thẩm tra, Nguyễn Văn Hiện – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, Uỷ ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm TPL.

Qua thảo luận, đa số ý kiến cho rằng, thí điểm chế định TPL là một chủ trương lớn có ý nghĩa quan trọng trong Chiến lược cải cách tư pháp. Mặc dù còn có những hạn chế, bất cập nhưng đến nay, hoạt động của các tổ chức TPL đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng trên các mặt hoạt động, phản ánh định hướng đúng đắn, phù hợp với chủ trương của Đảng, yêu cầu của Hiến pháp 2013 và đòi hỏi của thực tiễn cải cách tư pháp.

Vì vậy, các ý kiến cơ bản tán thành đề nghị của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết ghi nhận kết quả đạt được và cho kết thúc việc thí điểm để chính thức thực hiện chế định TPL, đồng thời, giao Chính phủ chuẩn bị dự án Pháp lệnh Thừa phát lại hoặc Luật Thừa phát lại báo cáo UBTVQH xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội Khóa XIV.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu tỏ ra băn khoăn khi cho rằng hiện nay hoạt động thí điểm TPL có hỗ trợ kinh phí thì rất thuận lợi nhưng khi hết thí điểm phải hoạt động “sòng phẳng” theo xã hội hóa thì điều gì sẽ xảy ra?

Theo Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, quan trọng nhất là xác định địa vị pháp lý của TPL như thế nào? Tán thành với đề nghị của Chính phủ, song Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng tuỳ tình hình của từng địa phương mà thành lập Văn phòng TPL cho phù hợp.

Tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để chính thức thực hiện chế định TPL, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Nghị quyết này phải có nguyên tắc, phạm vi, tức là quy định những điều kiện để làm định chế, để tổ chức Văn phòng TPL.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, kết quả thí điểm mới ở phạm vi hẹp (13/63 tỉnh, thành phố), thời gian thí điểm thực tế ngắn nên chưa đủ cơ sở để luật hóa ngay chế định này. Hơn nữa, theo tinh thần Nghị quyết 49-NQ/TW, tổ chức thực hiện thí điểm chế định TPL là một trong những nội dung cụ thể trong lộ trình cải cách tư pháp đến năm 2020. Do vậy, đề nghị cân nhắc tiếp tục thí điểm đến giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (1/7/2018).

Theo báo cáo của Chính phủ, tính đến ngày 31/7/2015, các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt được 834.734 văn bản, lập 39.027 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 781 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 322 vụ việc, đạt tổng doanh thu là 107.552.100.000 đồng. Trong các mảng công việc, hoạt động tống đạt chiếm tỷ trọng lớn, doanh thu gần 50 tỷ đồng (chiếm 44,79 % tổng doanh thu); kế đến là hoạt động lập vi bằng doanh thu trên 52 tỷ đồng (chiếm 49,07% tổng doanh thu). Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án chiếm tỷ trọng nhỏ, doanh thu của 02 loại công việc trên mới đạt gần 7 tỷ đồng (chiếm 9,28% tổng doanh thu).
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam