Phước Tiến với mô hình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo”

(NTO) Xã Phước Tiến (Bác Ái) có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 7.600 ha, chủ yếu là đất rừng, đồi núi; diện tích đất sản xuất nông nghiệp 1.400 ha. Toàn xã có 6 thôn với 952 hộ/4.135 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 76%. Cuối năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn chiếm 52%.

“Bài toán” làm thế nào giúp người dân thoát nghèo và giảm nghèo hiệu quả luôn được cấp ủy, chính quyền xã hết sức quan tâm. Do đó, đầu năm 2012, xã đã triển khai mô hình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo”, với các thành viên là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cán bộ thôn và các đơn vị trường học, trạm y tế…nhận giúp đỡ các hộ nghèo. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức giúp đỡ 1-2 hộ nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Để mô hình đạt hiệu quả cao, xã rà soát hộ nghèo ở các thôn để phân công cán bộ, công chức phụ trách trực tiếp xuống tận gia đình nhận giúp để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ từng tiêu chí đã được xã ra soát như: hộ nghèo thiếu đất, hộ thiếu vốn, hộ thiếu kỹ thuật canh tác…,tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc. Từ đó, có định hướng, hỗ trợ cho hộ dân phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của từng gia đình. Cùng với đó, xã còn tuyên truyền, vân động người dân thay đổi nhận thức, tiếp cận với các mô hình sản xuất mới, thay đổi các tập quán sản xuất, chăn nuôi không còn phù hợp, để vươn lên thoát nghèo.

 
Chị Chamaléa Thị Liệu, thôn Trà Co 2 thoát nghèo nhờ mô hình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo.

Với phương châm “Cầm tay chỉ việc”, xã đã phát động phong trào “Mỗi tuần một buổi chiều thứ 6 cán bộ, công chức xuống giúp dân”. Theo đó, cán bộ đã tập trung hướng dẫn hộ dân về kỹ thuật thâm canh cây lúa nước, cây bắp lai, chăn nuôi theo hướng tập trung…nhằm giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất cũ; có những cán bộ giúp người dân bằng con giống, ngày công…. Để hộ dân có thêm tư liệu sản xuất, xã tạo điều kiện cho 100% hộ nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới về trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, không ít hộ dân đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ chị Chamaléa Thị Liệu, thôn Trà Co 2, trước đây gia đình chị thuộc diện hộ nghèo. Năm 2014, chị được cán bộ xuống hướng dẫn cách trồng cây bắp lai thay cây bắp địa phương, tạo điều kiện vay vốn để đầu tư vào sản xuất. Đến nay gia đình chị đã thoát nghèo bền vững. Chị Liệu bày tỏ niềm vui: Nhờ cán bộ quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn cách trồng cây bắp lai, chăn nuôi heo, bò, nên kinh tế gia đình đã khá hơn những năm trước. Giờ không còn cái đói, cái nghèo nữa, mình mừng lắm.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết trong quá trình thực hiện địa phương đã gặp rất nhiều khó khăn, bởi số hộ nghèo được giúp đa phần là những hộ rơi vào thiếu đất, thiếu vốn… Nhưng với sự quyết tâm của cán bộ, công chức xã, nên sau hơn 3 năm thực hiện mô hình đã mang lại hiệu quả rất thiết thực và được Nhân dân ủng hộ. Trong số 270 hộ dân được giúp đỡ, đã có 174 hộ thoát nghèo.

Đồng chí Nguyễn Thị Ngọc Linh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Ngoài các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước giúp người dân phát triển kinh tế, mô hình “Cán bộ giúp dân xóa đói, giảm nghèo”, là giải pháp thiết thực và hữu hiệu giúp địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả. Để mô hình thực sự đi vào chiều sâu, thời gian tới, xã tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân chủ động hơn nữa trong việc đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị cao vào sản xuất, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Với quyết tâm của chính quyền địa phương, nhất là sự vào cuộc tích cực của cán bộ, công chức, các đơn vị và sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của các hộ nghèo, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã từ 52% (năm 2011) đến nay đã giảm xuống 23,43%.