Giữ hay bỏ hình phạt tử hình đối với tội nhận hối lộ?

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Tội nhận hối lộ là tội nghiêm trọng được thực hiện chủ động, cố ý, do đó cần phải giữ hình phạt tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

 

Phiên họp thứ 41 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 41. Dự kiến, phiên họp này sẽ diễn ra trong 11 ngày, từ 14-25/9, cho ý kiến vào nhiều dự án luật quan trọng.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Trọng tâm phiên họp thứ 41 là tiếp tục cho ý kiến vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), mở đầu xem xét các dự án luật mang tính chất dân chủ xã hội thực hiện quyền con người, quyền công dân như Luật Báo chí (sửa đổi), Luật về hội..., trên cơ sở đó hoàn thiện các dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Phiên họp cũng sẽ chuẩn bị các hoạt động giám sát, cho ý kiến về chất vấn, trả lời chất vấn, đồng thời xem xét thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, các công việc chuẩn bị cho bầu cử để trình Quốc hội quyết định.

“Kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối năm, có khối lượng công việc nặng nề, khó khăn. Đây cũng là kỳ họp có ý nghĩa quan trọng phục vụ cho công tác tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc. Việc thực hiện tốt các nội dung phiên họp thứ 41, 42 của UBTVQH sẽ góp phần quyết định thành công của kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, vì thế đòi hỏi sự tận tâm, tận lực của các thành viên UBTVQH tại phiên họp này.” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH đã dành trọn sáng nay để thảo luận một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 7 tội danh

Dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) dự kiến bỏ hình phạt tử hình ở 07 tội: cướp tài sản; phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Ngoài ra, dự thảo BLHS tách riêng hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy thành tội danh riêng và bỏ hình phạt tử hình ở tội này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban này tán thành bỏ hình phạt tử hình ở 07 tội danh như dự thảo BLHS. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, đề nghị chưa nên bỏ hình phạt tử hình ở tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu bỏ hình phạt tử hình ở cả các tội khác như: tham ô; nhận hối lộ; sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Quan điểm tách tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thành các tội độc lập và chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với tội mua bán trái phép chất ma túy, theo Bộ trưởng, từ năm 2005 -2014, tòa án chủ yếu áp dụng hình phạt tử hình với hai tội danh là tội giết người và tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ma túy. Trong đó, việc quy định hình phạt tử hình đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển trái phép ma túy thời gian qua, có trường hợp chưa thực sự thỏa đáng. “Thực tế nhiều trường hợp đối tượng tàng trữ, vận chuyển chất ma túy do được thuê chứ không phải là kẻ chủ mưu, cầm đầu trong đường dây buôn bán ma túy” – Bộ trưởng Hà Hùng Cường nói.

Với đề nghị bỏ hình phạt tử hình với tội nhận hối lộ, Bộ trưởng nêu quan điểm: “Không nên bỏ tử hình đối với tội nhận hối lộ. Đối với tội tham ô, có trường hợp do sơ suất trong công tác quản lý mà vô tình phạm tội, còn tội nhận hối lộ là tội nghiêm trọng được thực hiện chủ động, cố ý, cần phải thi hành án tử hình để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo tính răn đe riêng và phòng ngừa chung”.

Đồng tình với đề xuất bỏ nhiều hình phạt tử hình, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhấn mạnh quan điểm “án tử hình càng giảm nhiều càng tốt, không phải cứ lấy cái chết để thể hiện sự quyết liệt”. Riêng về hình phạt tử hình với tội vận chuyển ma túy, ông Ksor Phước chia sẻ, cách đây 4 năm có đi khảo sát tình hình ma túy ở vùng đồng bào dân tộc thì thấy đối tượng vận chuyển thường là người dân tộc, người dân tộc “dính đòn” còn chủ mưu thì an toàn. “Vì vậy nếu giảm được thì nên giảm, ta còn có cách xử lý khác” – ông Ksor Phước phát biểu.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng tán thành bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép ma túy nhưng không bỏ hình phạt tử hình với tàng trữ, buôn bán ma túy. “Còn nếu để hình phạt tử hình với tội vận chuyển ma túy thì cần quy định rõ vận chuyển khối lượng bao nhiêu, hành vi vận chuyển được thực hiện chuyên nghiệp” – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Về đề nghị bỏ hình phạt tử hình với tội nhận hối lộ, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu làm rõ khung hình phạt, nhận hối lộ bao nhiêu thì bị xử lý hình sự, bao nhiêu thì bị xử tử hình.

Chưa giải quyết được vướng mắc lớn nhất

Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Công Phàn nhấn mạnh, điều khó khăn nhất, vướng nhất khi áp dụng BLHS là phân định ranh giới giữa hình sự và hành chính. “Chúng tôi tính, BLHS (sửa đổi) có 246 điều quy định về định lượng, định tính nhưng mới cụ thể được 60 điều, còn 186 điều chưa được cụ thể”. Từ đó, ông đề nghị cụ thể các điều, nếu không quy định cụ thể được thì phải giao cụ thể cho cơ quan.

Đồng tình với ý kiến trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cũng đánh giá, dự thảo bộ luật sửa đổi đã bám sát Hiến pháp nhưng chưa giải quyết được vướng mắc lớn hiện nay là định lượng, xác định mức độ lớn, rất lớn; nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. “Vấn đề này liên quan trực tiếp đến quyền sống chết của con người nên tôi đề nghị từ nay tới khi trình Quốc hội thông qua BLHS (sửa đổi) phải giải quyết được vấn đề này” – Chủ nhiệm Phan Trung Lý đề nghị.

Vẫn theo Chủ nhiệm Phan Trung Lý, đây là Bộ luật rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến nhiều nội dung của các luật khác, đặc biệt cụ thể hóa nhiều nội dung của Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Và khi thông qua Bộ luật này sẽ là căn cứ để thông qua các bộ luật, luật sửa đổi khác, do đó luật cần cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, cần phải căn cứ vào tổng kết thi hành BLHS hiện hành để giải quyết các khó khăn vướng mắc hiện nay; đồng thời phải đáp ứng các yêu cầu về hội nhập.

Cũng về vấn đề này, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn phát biểu, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là dấu hiệu định khung hình phạt mà nếu không xác định được thì không định khung được hình phạt. “Chúng tôi mong làm rõ cụ thể để Thẩm phán vận dụng thuận lợi, nếu không gánh nặng này đặt toàn bộ lên Tòa án nhân dân tối cao.” – ông Nguyễn Sơn bày tỏ./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam