Vấn đề hôm nay:

Chuyện cũ mà không... cũ!

(NTO) Rác thải dân cư luôn được xem là “vấn nạn” bởi tác động trực tiếp đến môi trường sống của người dân, không chỉ ở thành thị mà còn ở nhiều vùng nông thôn. Có chuyên gia cho rằng, theo đà gia tăng dân số thì lượng rác thải cũng tăng theo cấp số cộng và nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả thì đây sẽ là “thảm họa” của môi trường.

Cân phân mà nói, những năm qua tỉnh ta đã chú trọng đầu tư để xử lý rác thải. Cùng với việc ngày càng mở rộng mạng lưới thu gom rác thải của công ty Nam Thành, tại nhiều thôn, khu phố đều thành lập tổ thu gom rác thải, được trang bị xe đẩy tập kết rác nếu ở địa bàn thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, trung tâm một số thị trấn các huyện hoặc địa phương tự thành lập đội thu gom rác và xử lý... Nhờ đó góp phần tạo bộ mặt sạch đẹp cho từng địa phương.

Xã Phước Hữu (Ninh Phước) xây hố  thu gom rác thải BVTV góp phần bảo vệ môi trường nông thôn.
Ảnh: Sơn Ngọc

Tuy nhiên, nếu nhìn tổng quan hiện nay còn nhiều xã, phường chưa thật chú trọng đến vệ sinh môi trường, cụ thể là rác thải vẫn “hiện diện” ngày một nhiều dọc các tuyến đường liên thôn, liên xã, tập kết tự phát dọc các mương thủy lợi hoặc đổ thẳng xuống kênh mương để nước trôi xuống hạ nguồn. Ngay tại Tp. Phan Rang-Tháp Chàm không ít phường chỉ tạm gọi là “sạch” ở bộ mặt phường, còn nhiều khu phố thì rác vứt bừa bãi. Điều cũng lấy làm lạ là nơi nào chính quyền cắm bảng “Cấm đổ rác” thì cứ y như rằng chung quanh nơi này một số người dân “vô tư” đổ như một sự “trêu ngươi”, thách thức chăng!. Nói thế cũng không sai vì chẳng thấy ai nhắc nhở, thậm chí xử phạt “thủ phạm”. Người dân sống gần các “bãi rác” này bức xúc nhưng cũng không mạnh dạn đấu tranh với hành vi của một số người thiếu ý thức. Cũng có một số hộ tuy khá giả nhưng vẫn giữ thói quen vớt rác bừa bãi thay vì để có nơi có chỗ để thu gom với lý do không phải… trả tiền mặc dù số tiền phải trả hàng tháng chỉ nhỉnh hơn trả cho một ly cà phê mà thôi!.

Để giải quyết tình trạng này không khó nhưng cũng... không dễ mặc dù theo quy định không thiếu các chế tài, kể cả xử phạt. Cốt lõi của vấn đề suy cho cùng là từ ý thức mà ra. Nếu thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung thì dù có xử lý xong thì đâu vẫn vào đó. Đối với chính quyền từ thôn, khu phố đến lãnh đạo phường, xã cũng “thiếu” ý thức bảo vệ môi trường, biểu hiện cụ thể là thiếu quan tâm chỉ đạo xử lý rốt ráo, không thường xuyên tổ chức làm sạch môi trường nhất là khâu tổ chức “chống” đổ rác tràn lan như đã nêu.

Vừa qua UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương tổng vệ sinh môi trường, làm sạch, đẹp đường phố, khu dân cư. Mong rằng chỉ đạo trên được thực hiện thì hiệu quả và qua đó tạo đà để giữ môi trường từ chính lòng dân.

Mong rằng đừng để lập lại “chuyện cũ” mà… “không cũ” này như nhiều người dân thường nói!.