Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện 1632/CĐ-TTg về việc tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết.

Nội dung công điện như sau:

Dịch bệnh sốt xuất huyết đang xảy ra tại 50 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tính từ đầu năm 2015 đến nay, cả nước ghi nhận hơn 29.000 trường hợp mắc bệnh, tập trung nhiều tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Nam, miền Trung, trong đó đã có 18 trường hợp tử vong. Mặc dù, năm 2014 là năm có số người mắc bệnh sốt xuất huyết thấp nhất trong 10 năm gần đây. Tuy nhiên, theo chu kỳ 5 năm, 10 năm, bệnh sốt xuất huyết có thể tăng vào cuối mỗi chu kỳ. So với cùng kỳ năm 2014, năm 2015 số người mắc bệnh sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng.

Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do muỗi truyền, bệnh lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, thường gặp ở trẻ em. Đến nay sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh, biện pháp dự phòng chủ yếu là diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) và phòng chống muỗi đốt. Bộ Y tế đã triển khai nhiều chỉ đạo chuyên môn về dự phòng và điều trị về dịch bệnh sốt xuất huyết.

Nhằm chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh sốt xuất huyết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cấp chính quyền và các sở, ban, ngành đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân triển khai quyết liệt chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất, đặc biệt tại các công trường xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu sốt của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà. Chỉ đạo Sở Y tế giám sát chặt chẽ tình hình, phát hiện sớm, cấp cứu điều trị kịp thời người bệnh, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.

2. Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra các địa phương về giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức thu dung cấp cứu, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất trường hợp tử vong.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân và các cơ quan thông tấn báo chí phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết; tình hình dịch bệnh và các biện pháp phát hiện sớm dịch bệnh để người dân tích cực, chủ động thực hiện phòng, chống dịch, đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị khi vừa có dấu hiệu mắc bênh.

4. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo huy động giáo viên, học sinh, sinh viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, các trường đại học, cao đẳng tham gia tích cực vào chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng (bọ gậy) tại gia đình và cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế.

5. Bộ Tài chính bảo đảm đủ kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết của ngành y tế.

Điều kiện kinh doanh bất động sản

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Kinh doanh bất động sản, bao gồm các nội dung về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản; về các loại hợp đồng mẫu trong kinh doanh bất động sản; về chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; về chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và về thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

Trong đó, về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp hoặc hợp tác xã theo quy định của pháp luật về hợp tác xã (doanh nghiệp) và phải có vốn pháp định không được thấp hơn 20 tỷ đồng, trừ các trường hợp: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản quy mô nhỏ, không thường xuyên; tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản quy định tại Chương IV Luật Kinh doanh bất động sản.

Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà

Nghị định quy định điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn gồm:

1- Bên thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn theo quy định tại Mục 4 Chương II Luật Kinh doanh bất động sản có quyền chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng đó cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là giấy chứng nhận) cho bên thuê mua chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2- Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận.

3- Việc chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng thì phải chuyển nhượng toàn bộ hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng đã ký với bên cho thuê mua. Đối với trường hợp là nhà ở thì thực hiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua từng căn nhà riêng lẻ hoặc từng căn hộ; trường hợp hợp đồng thuê mua nhiều căn nhà riêng lẻ hoặc nhiều căn hộ thì phải chuyển nhượng toàn bộ số căn nhà hoặc căn hộ trong hợp đồng đó.

Điều kiện chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai

Nghị định cũng quy định điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, cụ thể:

1- Bên mua, bên thuê mua chưa nhận bàn giao nhà ở hoặc đã nhận bàn giao nhà ở có quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua, bên thuê mua chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2- Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng hợp đồng có quyền chuyển nhượng tiếp hợp đồng mua bán, thuê mua cho tổ chức, cá nhân khác khi hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận chưa nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận.

3- Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai thì phải chuyển nhượng hợp đồng theo từng căn nhà riêng lẻ hoặc từng căn hộ; đối với trường hợp hợp đồng mua bán, thuê mua nhiều căn nhà riêng lẻ hoặc nhiều căn hộ thì phải chuyển nhượng toàn bộ số căn nhà hoặc căn hộ trong hợp đồng đó.

Thủ tướng bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Tại Quyết định 1558/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Triệu Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Nội vụ Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Ông Triệu Văn Cường sinh năm 1963, quê quán tỉnh Thái Bình.

Ông Triệu Văn Cường từng đảm nhiệm các chức vụ: Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Văn thư Lưu trữ Trung ương; Phó Chánh Văn phòng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước; Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng Trường Trung học Văn thư Lưu trữ Trung ương I; Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nội vụ Hà Nội; Hiệu trưởng trường Đại học Nội vụ Hà Nội.

Hành khách được mua hàng miễn thuế trên chuyến bay đến Việt Nam

Từ ngày 1/11/2015, hành khách được mua hàng miễn thuế trên tàu bay của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.

Theo quy định tại Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/2/2009 và Quyết định số 44/2013/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp chỉ được kinh doanh bán hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế và trên các chuyến bay xuất cảnh từ Việt Nam đi quốc tế. Đối với các chuyến bay nhập cảnh chưa có quy định về kinh doanh bán hàng miễn thuế phục vụ khách nhập cảnh vào Việt Nam. Trong khi đó, hầu hết hãng bay nước ngoài khai thác đến các sân bay Việt Nam đều đang triển khai bán hàng miễn thuế để phục vụ khách xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh. Việc này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và không tạo ra sự bất bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài khi tiếp cận khách nhập cảnh Việt Nam.

Nhằm tạo thuận lợi cho khách nhập cảnh và doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 39/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/2/2009 và Quyết định số 44/2013/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, hành khách trên tàu bay đang thực hiện các chuyến bay quốc tế của hãng hàng không được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam ngoài được mua hàng miễn thuế trên tàu bay khi xuất cảnh, theo quy định mới còn được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam.

Cùng với việc bổ sung trường hợp hành khách được mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam, Nghị định cũng quy định cụ thể điều kiện được mua hàng miễn thuế.

Theo đó, hành khách mua hàng miễn thuế trên tàu bay đang thực hiện chuyến bay quốc tế đến Việt Nam phải xuất trình hộ chiếu, thẻ lên tàu bay - Boarding pass. Tiếp viên hàng không phải ghi đầy đủ thông tin: Tên khách mua hàng, số hộ chiếu, số chuyến bay, số ghế.

Đoàn tiếp viên thực hiện việc tổng hợp chứng từ, ghi chép các thông tin liên quan đến khách mua hàng miễn thuế và bàn giao cho doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế để thực hiện nhập dữ liệu liên quan đến việc bán hàng của chuyến bay vào hệ thống phần mềm quản lý nối mạng với cơ quan Hải quan ngay sau khi tàu bay hoàn thành thủ tục nhập cảnh.

Các quy định trên có hiệu lực từ ngày 1/11/2015.

Kiểm định tất cả chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Phát triển đào tạo từ xa giai đoạn 2015-2020”. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng được kiểm định.

Để đạt được mục tiêu này, Đề án đưa ra giải pháp triển khai kiểm định các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng. Cụ thể, sẽ triển khai kiểm định đối với tất cả các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng đã được cấp phép. Khuyến khích các cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo từ xa được kiểm định bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Đồng thời, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên để triển khai thực hiện đánh giá, kiểm định các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng.

Sử dụng công nghệ đào tạo từ xa tiên tiến

Bên cạnh việc kiểm định chương trình đào tạo từ xa, Đề án cũng đặt mục tiêu đến năm 2020, tất cả các chương trình đào tạo từ xa có đủ học liệu, thiết bị hỗ trợ thực hiện theo tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng một số cơ sở giáo dục nòng cốt cung cấp chương trình đào tạo từ xa; khuyến khích các cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện tham gia cung cấp học liệu, công nghệ phục vụ đào tạo từ xa.

Với mục tiêu này, Đề án sẽ rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy định đối với chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng, trong đó quy định rõ, cụ thể các tiêu chí bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, có chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đầu tư và sử dụng công nghệ đào tạo từ xa tiên tiến để triển khai các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng.

Xây dựng cơ sở nòng cốt đào tạo từ xa

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm khác của Đề án là phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục cung cấp các chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, chương trình đào tạo, bồi dưỡng từ xa ngắn hạn, chương trình phổ biến kiến thức phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Trong đó, khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo từ xa đẩy mạnh tự chủ, đổi mới cơ chế hoạt động; đẩy mạnh, phát huy các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, chương trình phổ biến kiến thức tại các cơ sở giáo dục thường xuyên nhằm nâng cao trình độ dân trí, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân ở các địa phương.

Mục tiêu tổng quát của Đề án là đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo từ xa đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân theo hướng mở, linh hoạt, đa dạng hoá, bảo đảm hội nhập với khu vực và thế giới, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Xây dựng đô thị Bắc Ninh trở thành đô thị loại I

Đó là mục tiêu đề ra trong Đồ án Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đồ án, đô thị Bắc Ninh có tổng diện tích khoảng 26.326 ha, bao gồm thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn và 3 xã Hán Quảng, Yên Giả, Chi Lăng thuộc huyện Quế Võ.

Đô thị Bắc Ninh được xây dựng và phát triển trở thành đô thị loại I vào những năm hai mươi của thế kỷ XXI, làm tiền đề để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030; xây dựng và phát triển đô thị Bắc Ninh trở thành thành phố văn hóa, sinh thái, hướng tới kinh tế tri thức, đô thị thông minh.

Tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của Vùng kinh tế Bắc Bộ và Vùng Thủ đô Hà Nội với trọng tâm là dịch vụ thương mại, đào tạo - nghiên cứu khoa học, du lịch văn hóa, y tế - nghỉ dưỡng và logistic với chất lượng cao; trở thành một đầu mối giao lưu, trung tâm du lịch văn hoá, đào tạo - nghiên cứu khoa học của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế Bắc Bộ và cả nước, có ý nghĩa quốc tế; trở thành đô thị lớn phát triển bền vững với đặc trưng Văn hóa - sinh thái - tri thức...

Dự báo quy mô dân số đến năm 2030, đạt khoảng 890.000 người, dân số đô thị khoảng 735.000 người; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 83%.

Phát triển theo 3 hành lang

Theo định hướng, đô thị Bắc Ninh phát triển theo 3 hành lang tạo thành tam giác phát triển đô thị, trọng tâm của tam giác phát triển là khu vực Phật Tích; các cực Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Nam Sơn là các trọng điểm có vai trò động lực phát triển đô thị.

Khu trung tâm hành chính cấp tỉnh hiện hữu giữ nguyên vị trí tại phường Suối Hoa, nâng cấp, cải tạo theo hướng hiện đại; xây dựng mới trung tâm hành chính thành phố Bắc Ninh tại khu vực đô thị mới Tây Bắc, xây dựng mới trung tâm hành chính huyện Tiên Du tại khu vực phía Nam đồi Lim theo quy hoạch, giữ nguyên trung tâm hành chính thị xã Từ Sơn tại vị trí hiện tại, xây dựng mới trung tâm hành chính đô thị Nam Sơn tại trung tâm đô thị Nam Sơn.

Định hướng phát triển nông thôn, bao gồm các vùng nông nghiệp và dân cư nông thôn tại các xã Phú Lâm, Yên Giả, Chi Lăng,… và các làng ven sông Đuống.

Cùng với đó là tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện các khu công nghiệp hiện hữu như VSIP, Tiên Sơn, Đại Đồng - Hoàn Sơn, Quế Võ,...; xây mới trung tâm thương mại, dịch vụ, logistic cấp Vùng Thủ đô tại khu vực phát triển mới phía Tây phân khu đô thị Bắc Ninh...

Gia hạn thời gian cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý gia hạn thời gian cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân 2014-2015 theo Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 24/2/2015 của Thủ tướng Chính phủ đến hết ngày 31/10/2015.

Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, không hỗ trợ lãi suất trong thời gian gia hạn từ ngày 1/9/2015 đến hết ngày 31/10/2015.

Các Bộ, cơ quan Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện theo quy định.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo trong vụ Đông Xuân năm 2014-2015 ở Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 1/3/2015 đến hết ngày 15/4/2015.

Triển khai kế hoạch mua tạm trữ gạo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giao 20 ngân hàng thương mại cho vay mua tạm trữ thóc, gạo trong thời gian tối đa 6 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 31/8/2015. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ với thời gian hỗ trợ lãi suất tối đa là 4 tháng kể từ ngày mua tạm trữ đến hết ngày 30/6/2015.

Theo đúng kế hoạch, tính đến ngày 15/4, việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 đã đạt kế hoạch đề ra. Trước thực trạng xuất khẩu gạo đang gặp không ít khó khăn, thì đây là một giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ thị trường cũng như góp phần bảo đảm cho nông dân có thu nhập ổn định. Kế hoạch thu mua tạm trữ là một trong những phương thức hỗ trợ người nông dân tiêu thụ được lúa gạo với giá ổn định, phần nào giúp nông dân yên tâm sản xuất. Nhờ chủ động triển khai kế hoạch thu mua lúa gạo tạm trữ năm nay, nhìn chung giá lúa gạo tại các tỉnh, thành trong khu vực đều tăng

Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam về sự cần thiết của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam) đến năm 2030 nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói, giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Quảng Nam.

Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam lựa chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc Đề án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh Quảng Nam, trong đó ưu tiên đầu tư vào các nội dung thiết yếu không có khả năng xã hội hóa, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng và nhiệm vụ được giao hỗ trợ, hướng dẫn tỉnh Quảng Nam trong quá trình hoàn thiện và triển khai thực hiện Đề án.

Nguồn Văn phòng Chính phủ