Chuyện "số khổ"

(NTO) Câu chuyện trên phim truyền hình tâm lý tình cảm nhiều tập của Mexico “Người giàu cũng khóc” phát trên VTV những năm chín mươi bỗng trở thành chủ đề “tán” của các bà, các chị khu phố tôi. Thế rồi họ dẫn chứng: Chẳng đâu xa khu phố mình nhiều người làm ông này, ông nọ nhưng “số khổ” khác gì nàng Mariana trong phim “Người giàu cũng khóc”.

Này nhé, chị giám đốc doanh nghiệp may VT, nghe nói hưởng lương tiền “đô”, bữa nói chuyện với tôi: Làm tiểu thương như em sướng thiệt, có tiền tươi, có thời gian chăm lo chồng con, còn chị…Nghe chuyện mới thấy giám đốc như chị ấy khổ thật. Nào đã lớn tuổi đêm đêm phải đi học thêm tiếng Anh để giao tiếp với đối tác nước ngoài, ngày điều hành thực hiện hợp đồng, lo việc làm, tiền lương cho trên ba ngàn công nhân nữ, rồi đi nước ngoài, nước trong mua nguyên liệu, tìm đối tác…Một năm có 365 ngày, chị ấy bảo cứ như chong chóng quay. Vì thế chồng phải xin nghỉ hưu trước tuổi chăm lo việc nhà, việc học hành của con cái. Nghĩ mà thương cảnh phụ nữ làm doanh nhân! Nghe xong, chị bên cạnh phán câu xanh rờn “tại số nó khổ”, rồi kể: Ông giám đốc doanh nghiệp tư nhân chuyên thầu xây dựng gần nhà tôi có con Lexus, chiều chiều chạy xe đi chơi tennis xong nhậu đến khuya. Chủ nhật, ngày lễ chở vợ con đi shopping hoặc du lịch đổi gió, tiền chẳng lúc nào thiếu, thấy mà mê!?

Không kém bạn, chị trẻ tuổi góp thêm: Sếp doanh nhân nữ khỗ vì không chỉ lo việc làm, miếng cơm manh áo mà còn bao nhiêu chuyện như chế độ thai sản, con ốm mẹ nghỉ việc….cho hàng ngàn lao động nữ, nhưng ông chánh giám gì đó sếp cơ quan ở gần nhà tôi mới đúng là “số khổ”. Thế rồi chị kể tuồn tuồn mọi chuyện cứ như đó là chồng mình. Nào làm sếp mà đi xe máy Honda đời secondhand (xe cũ đã qua sử dụng), ngày nghỉ người ta đưa vợ con đi dạo mát, siêu thị còn mình thì cùng vợ lên rẫy chăm sóc “ba cây, ba con” (cây: xoài, trôm, mít; con: cá, gà, vịt). Ở cơ quan nghe nói ông ấy gương mẫu lắm, tổ chức vận động gì bao giờ mình cũng là người đi trước, nhất là ủng hộ những người có hoàn cảnh khó, ngặt nghèo. Ngày làm việc chẳng có giờ giấc, sáng thường đến sớm dạo quanh kiểm tra cơ quan, trưa, chiều là người ra về sau cùng, có bữa tối mịt mới rời trụ sở. Đứa cháu tôi làm việc ở đó, bảo: Làm lính ông ấy có điều kiện trưởng thành nhanh nhưng sức trẻ như cháu học làm việc theo sếp muốn bứt hơi luôn. Rồi chị kết: Cứ như ông nhà đầu đường phố mình làm thủ trưởng cơ quan gì không biết, có nhà hoành tráng, năm thì mười hoạ dân phố mình mới thấy bóng dáng anh ta, đúng “số sướng”, còn ông chánh giám này có lẽ “khôn nhà, dại chợ” nên mới khổ như vậy!?

Tôi chỉ là người nghe bất đắc dĩ bởi mấy chị, mấy cô ngồi “tán” cùng bà xã tại nhà mình. Mới thấy, người dân biết hết những gì mà những người làm sếp về sinh sống tại nơi cư trú để phân loại ai sướng, ai khổ. Thế nào là “khổ - sướng” còn tuỳ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Nhưng thiết nghĩ, những người như chị doanh nhân nữ, anh chánh giám nọ mới thực sự là người có “số sướng” bởi họ biết lo cho cái chung, lo cuộc sống hàng trăm, hàng ngàn người và cái “khổ” của họ đem lại niềm vui, hạnh phúc cho người khác. Cuộc sống vốn rất sòng phẳng, người cho đi nhiều nhất cũng chính là người hạnh phúc nhất.