Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2015, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tiếp tục điều hành các công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hợp lý để ổn định tỷ giá và mặt bằng lãi suất; tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy mở rộng tín dụng, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nợ xấu, thực hiện các biện pháp để đưa tỷ lệ nợ xấu xuống dưới mức 3% theo mục tiêu đề ra.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh huy động các nguồn vốn đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển, nhất là các chương trình, dự án ODA và các dự án quan trọng, cấp bách.

Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động triển khai các giải pháp cân đối thu chi ngân sách nhà nước phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan; thực hiện các giải pháp điều hành thị trường chứng khoán phát triển ổn định, lành mạnh.

Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, kinh doanh hiệu quả; tích cực triển khai các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, ký kết.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung chỉ đạo các địa phương triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Bộ Công Thương đề xuất các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chỉ đạo phòng chống hạn hán, úng ngập phục vụ sản xuất đạt hiệu quả.

Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát quy trình thực hiện, đánh giá hiệu quả các dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), bảo đảm các dự án BOT triển khai đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả; phối hợp với lực lượng chức năng triển khai các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường kiểm tra điều kiện an toàn thi công các công trình hạ tầng giao thông.

Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết, đánh giá toàn diện về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Y tế tiếp tục nhân rộng mô hình, mở rộng mạng lưới các bệnh viện vệ tinh; triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh phục vụ nhân dân; tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu đề xuất của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về định hướng chính sách dân số trong thời gian tới phù hợp với mục tiêu và yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tích cực triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam, kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng sức cạnh tranh cho ngành du lịch; tăng cường quản lý di tích gắn với việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; khẩn trương trình Chính phủ trong tháng 9/2015 dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động trong các doanh nghiệp áp dụng cho năm 2016 trên cơ sở các quy định của Bộ luật lao động và khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.

Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp để sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch năm 2015 và tiếp tục rà soát, bổ sung kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; xây dựng phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp; phân loại đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện để chuyển thành công ty cổ phần...

Trường đại học sẽ được xếp theo 3 hạng

Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Nghị định này quy định về tiêu chuẩn phân tầng; khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, phân tầng cơ sở giáo dục đại học là sự sắp xếp thành các nhóm các cơ sở giáo dục đại học theo mục tiêu, định hướng đào tạo dựa trên các tiêu chuẩn phù hợp với quy định của Nghị định này. Cơ sở giáo dục đại học được phân thành 3 tầng: cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và cơ sở giáo dục đại học định hướng thực hành.

Tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong mỗi tầng tùy theo chất lượng được sắp xếp vào 3 hạng của khung xếp hạng theo thứ tự từ cao xuống thấp: hạng 1, hạng 2, hạng 3.

Khung xếp hạng được xác định theo điểm với cơ cấu như sau: Hạng 1 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm cao nhất; hạng 3 bao gồm 30% các cơ sở giáo dục đại học có điểm thấp nhất và hạng 2 bao gồm 40% các cơ sở giáo dục đại học không thuộc hạng 1 và 3.

Nghị định quy định rõ các tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học gồm: Quy mô, ngành nghề và các trình độ đào tạo; cơ cấu các hoạt động đào tạo và khoa học công nghệ; chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hướng dẫn cách tính điểm cho mỗi chỉ số của các tiêu chí theo tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.

Nghị định cũng nêu rõ, phân tầng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 10 năm. Xếp hạng cơ sở giáo dục đại học được thực hiện theo chu kỳ 2 năm.

Nghị định có hiệu lực từ 25/10/2015.

 Nhân sự UBND tỉnh Bắc Ninh

Thủ tướng Chính phủ vừa phê chuẩn việc bầu, miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc bầu bổ sung chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011 - 2016 đối với ông Phạm Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh.

Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn việc miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND tỉnh Bắc Ninh nhiệm kỳ 2011- 2016 đối với ông Nguyễn Đăng Lợi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh.

Hỗ trợ vốn xây dựng khu tái định cư DA Quốc lộ 12A (Quảng Bình)

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa có ý kiến chỉ đạo về kinh phí xây dựng các khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của Dự án xây dựng Quốc lộ 12A đoạn tránh Nhà máy xi măng Sông Gianh, tỉnh Quảng Bình (Dự án).

Cụ thể, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương ngân sách trung ương hỗ trợ tỉnh Quảng Bình phần chênh lệch giữa kinh phí đã đầu tư xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng của Dự án và kinh phí thu được từ quyền sử dụng đất, tiền mua nhà của người dân được bố trí tái định cư của Dự án.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Giao thông vận tải, Tài chính và UBND tỉnh Quảng Bình rà soát xác định cụ thể và đề xuất mức hỗ trợ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cho tỉnh Quảng Bình để hoàn trả số tiền đã được ứng trước của Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Quản lý hoạt động thông tin đối ngoại

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại. Nghị định này quy định về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh trong việc quản lý và triển khai hoạt động thông tin đối ngoại.

Nghị định này quy định, nguyên tắc hoạt động thông tin đối ngoại phải tuân thủ chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; tuân thủ pháp luật và phong tục tập quán của nước sở tại; bảo đảm không ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, uy tín, hình ảnh, quan hệ ngoại giao, hợp tác quốc tế của Việt Nam; bảo vệ bí mật nhà nước; không kích động nhân dân chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; không kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước.

Đồng thời, bảo đảm thông tin chính xác, kịp thời theo đúng định hướng thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cũng như các chương trình, kế hoạch thông tin đối ngoại đã được phê duyệt; không đưa tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống nhằm xúc phạm danh dự của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.

Theo quy định, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước hoạt động thông tin đối ngoại.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh, các cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh liên quan triển khai hoạt động thông tin đối ngoại ở nước ngoài.

Nghị định cũng quy định rõ, thông tin đối ngoại bao gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam và thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam.

Trong đó, thông tin chính thức về Việt Nam là thông tin về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin về tình hình Việt Nam trên các lĩnh vực; thông tin về lịch sử Việt Nam và các thông tin khác.

Thông tin chính thức về Việt Nam được cung cấp trên các chương trình, sản phẩm báo chí của các cơ quan báo chí trực thuộc Chính phủ gồm Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, trang thông tin điện tử đối ngoại, cổng thông tin điện tử các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh...

Vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo đó, hàng năm, các hồ: A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 4, Sông Bung 4A và Sông Bung 5 trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Trong mùa lũ, đảm bảo an toàn công trình; góp phần giảm lũ cho hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.

Về đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, Sông Tranh 2, Sông Bung 5, không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 1000 năm.

Bên cạnh đó, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Sông Bung 4 không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 5.000 năm.

Đồng thời, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình thủy điện Sông Bung 4A không để mực nước hồ chứa vượt cao trình mực nước lũ kiểm tra với mọi trận lũ có chu kỳ lặp lại nhỏ hơn hoặc bằng 500 năm.

Trong mùa cạn, phải vận hành theo nguyên tắc thứ tự ưu tiên: Đảm bảo an toàn công trình, đảm bảo dòng chảy tối thiểu trên sông và nhu cầu sử dụng nước tối thiểu ở hạ du; đảm bảo hiệu quả phát điện.

Quy trình nêu rõ, mùa lũ từ ngày 1/9 đến ngày 15/12; mùa cạn từ ngày 16/12 đến ngày 31/8 năm sau.

Nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du

Về nguyên tắc vận hành các hồ giảm lũ cho hạ du, Quyết định nêu rõ, không cho phép sử dụng phần dung tích hồ từ cao trình mực nước dâng bình thường đến cao trình mực nước lũ kiểm tra để điều tiết lũ khi các cửa van của công trình xả chưa ở trạng thái mở hoàn toàn, trừ trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ hoặc Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai.

Khi vận hành giảm lũ cho hạ du phải tuân thủ theo quy định về trình tự, phương thức đóng, mở cửa van các công trình xả đã được cấp có thẩm quyền ban hành, bảo đảm không gây lũ nhân tạo đột ngột, bất thường đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực ven sông ở dưới hạ du hồ chứa.

Trong thời kỳ mùa lũ, khi chưa tham gia vận hành giảm lũ cho hạ du, mực nước các hồ chứa không được vượt quá mực nước cao nhất trước lũ đối với hồ A Vương 376 m, hồ Đắk Mi 4: 255 m, hồ Sông Tranh 2: 172m, hồ Sông Bung 4: 217,5 m, trừ trường hợp quy định.

Trong quá trình vận hành phải thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về tình hình thời tiết, mưa, lũ; mực nước tại các trạm thủy văn, mực nước, lưu lượng đến hồ và các bản tin dự báo tiếp theo để vận hành, điều tiết cho phù hợp với tình hình thực tế.

Khi kết thúc quá trình giảm lũ cho hạ du phải đưa dần mực nước hồ về cao trình mực nước trước lũ nêu trên, trừ trường hợp quy định.

Đề xuất quy định quản lý cước vận tải biển

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định về quản lý cước vận tải biển và phụ phí theo cước vận tải biển để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật hàng hải.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý cạnh tranh theo đúng quy định tại Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12/11/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sau khi xem xét mức phụ phí, các đợt tăng phụ phí của các hãng tàu nước ngoài trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 4/2015, Bộ Công Thương chưa phát hiện thấy các dấu hiệu tồn tại thỏa thuận ấn định mức phụ phí dịch vụ vận tải biển giữa các hãng tàu theo quy định tại Điều 8 Luật Cạnh tranh và Điều 14 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP do các loại phụ phí tăng, mức tăng, thời điểm tăng phụ phí của các hãng tàu không giống nhau.

Bộ Công Thương cũng cho biết, mặc dù trong giai đoạn từ năm 2013 đến tháng 4/2015, có một số hãng tàu đã tăng phụ phí với mức tăng vượt quá ngưỡng 5%, nhưng chưa có đủ cơ sở để khẳng định hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh của các doanh nghiệp liên quan theo quy định tại Điều 13 Luật Cạnh tranh do không có hãng tàu/liên minh hãng tàu nào thỏa mãn tiêu chí thị phần theo quy định tại Điều 11 Luật Cạnh tranh.

Đẩy nhanh tiến độ điều tra cơ bản tài nguyên-môi trường biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung làm tốt chức năng hướng dẫn, phối hợp, thẩm định, kiểm tra tình hình thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.

Đó là ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp lần thứ 9 Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển.

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án tổng thể về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển (Đề án) đã đạt được những kết quả tích cực. Đã hoàn thành, nghiệm thu cấp Nhà nước 17 dự án (đạt 39%), 14 dự án đang triển khai (có 5 dự án chuẩn bị nghiệm thu) trong tổng số 43 nhiệm vụ, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định từ năm 2006 đến nay.

Tuy vậy, việc triển khai các nhiệm vụ, dự án vẫn chậm; bố trí vốn cho các dự án vẫn khó khăn; mục tiêu, hiệu quả của một số dự án chưa rõ nét; việc xây dựng và thẩm định các dự án giai đoạn 2013 - 2020 rất chậm; sự phối hợp giữa các Bộ, cơ quan và địa phương chưa tốt, việc trao đổi và chia sẻ các kết quả điều tra còn nhiều hạn chế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung làm tốt chức năng hướng dẫn, phối hợp, thẩm định, kiểm tra tình hình thực hiện, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án; phối hợp với các cơ quan liên quan bố trí vốn cho một số nhiệm vụ, dự án đang thực hiện ở giai đoạn I và các dự án mới triển khai.

Hàng tháng, các Bộ, ngành chủ trì phải báo cáo tình hình thực hiện dự án với Thường trực Ban Chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cần khẩn trương rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển, làm rõ bức tranh chung về tiềm năng tài nguyên, hiện trạng môi trường biển của đất nước, xác định rõ mục tiêu điều tra gắn với thời gian hoàn thành cụ thể; làm rõ những đối tượng, khu vực nào cần ưu tiên điều tra thêm, kết quả và sản phẩm điều tra.

Các Bộ, ngành, địa phương có biển khẩn trương tổng kết, đánh giá các kết quả điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển từ trước đến nay, báo cáo Ban Chỉ đạo để chuẩn bị xây dựng Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, ban hành Quy chế giao nộp, chia sẻ, cung cấp, khai thác thông tin dữ liệu nghiên cứu, điều tra, tìm kiếm, thăm dò tài nguyên và đánh giá hiện trạng môi trường biển.

Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước cần phát huy vai trò chủ động, tích cực hơn nữa trong việc theo dõi, phối hợp, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn các cơ quan chủ trì dự án; tăng cường công tác kiểm tra thực địa, công tác văn phòng, giám sát và đánh giá chất lượng điều tra cơ bản.

Khắc phục hư hỏng hằn lún vệt bánh xe trên QL5

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa có ý kiến chỉ đạo về việc khắc phục hư hỏng "hằn lún vệt bánh xe" Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải làm rõ nguyên nhân hư hỏng "hằn lún vệt bánh xe" Dự án cải tạo, khôi phục mặt đường Quốc lộ 5, xác định trách nhiệm của các đơn vị liên quan (Ban Quản lý dự án, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công...), làm rõ nguồn kinh phí cho việc sửa chữa khắc phục hư hỏng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/9 tới./.