Tăng cường quản lý quỹ tài chính ngoài NSNN
Trong những năm qua, nhiều quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước (quỹ tài chính ngoài NSNN) được thành lập ở Trung ương và địa phương, góp phần tích cực trong huy động tập trung nguồn lực tài chính của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và cùng với ngân sách nhà nước giải quyết tốt hơn một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý nhà nước đối với các quỹ tài chính ngoài NSNN vẫn còn nhiều hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của các quỹ.
Để chấn chỉnh những tồn tại, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài NSNN, trong đó tập trung rà soát các quy định hiện hành liên quan đến việc thành lập, hoạt động và quản lý đối với các quỹ tài chính ngoài NSNN trong phạm vi ngành, lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách, nhất là các quy định về chế độ tiền lương, tiền thưởng và trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước đối với các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; trên cơ sở đó, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với pháp luật hiện hành.
Đồng thời, các Bộ, cơ quan Trung ương, UBND cấp tỉnh phải rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN; trên cơ sở đó, quyết định dừng hoạt động hoặc cơ cấu lại các quỹ theo hướng đối với các quỹ hoạt động có hiệu quả, cần tiếp tục duy trì hoạt động để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng yếu thế trong xã hội. Đối với các quỹ có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ trùng lặp, nhất là các quỹ đầu tư có tính chất sinh lời thì xây dựng phương án chuyển đổi mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ để phát huy hiệu quả. Đối với các quỹ hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích hoặc hoạt động không hiệu quả, các quỹ đã hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao thì kiên quyết cho dừng hoạt động, giải thể. Chỉ thành lập quỹ mới trong trường hợp thật cần thiết và đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra hoạt động và việc chấp hành pháp luật của các quỹ tài chính ngoài NSNN, bảo đảm nguồn lực tài chính nhà nước được quản lý, sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch. Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo tài chính hàng năm; công khai rộng rãi hoạt động của các quỹ tài chính ngoài NSNN theo quy định.
Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý quỹ tài chính ngoài NSNN, thường xuyên nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức quản lý quỹ, trong đó tập trung củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đối với các quỹ cần tiếp tục duy trì hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp, có chuyên môn sâu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD
Đề án phát triển các thị trường khu vực thời kỳ 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân từ 11% - 12%/năm trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020; phấn đấu cân bằng thương mại ổn định vào năm 2020 và đạt thặng dư thương mại bền vững từ năm tiếp theo.
Theo đó, về định hướng phát triển thị trường, củng cố vững chắc và từng bước mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại các thị trường truyền thống bao gồm Đông Nam Á, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc), Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU), Nga và các nước Đông Âu, Canada, Ấn Độ. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại khu vực Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Ấn Độ.
Giảm bớt sự phụ thuộc của xuất khẩu vào một số thị trường nhất định nhằm hạn chế rủi ro trước những biến động của thị trường cũng như các yếu tố kinh tế, chính trị khu vực và thế giới.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại tại những thị trường truyền thống và thị trường mới tiềm năng; tham gia sâu, rộng vào hệ thống phân phối tại các thị trường khu vực, đặc biệt là thị trường khu vực Châu Mỹ và Châu Âu.
Khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở cửa thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và dỡ bỏ các rào cản phi thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu; nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA); đẩy mạnh hoạt động đàm phán thương mại song phương và đa phương, tạo thuận lợi cho xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nước phát triển đã ký FTA với Việt Nam để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại
Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là xúc tiến thương mại. Cụ thể, thực hiện các giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại thị trường ngoài nước, đặc biệt là tại các hội chợ chuyên ngành thường niên uy tín giúp kết nối với các hệ thống phân phối và thu hút được nhiều đối tác trên thế giới tại các thị trường trọng điểm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác xây dựng, quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường xuất khẩu nhằm xây dựng hình ảnh, tạo cơ sở phát triển xuất khẩu hàng Việt Nam ổn định, vững chắc. Ưu tiên hỗ trợ thâm nhập thị trường nước ngoài đối với các thương hiệu hàng hóa thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Đẩy mạnh công tác khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại để phát triển xuất khẩu, đưa hàng Việt Nam tới các thị trường mới tại khu vực Châu Phi và Mỹ La-tinh; các thị trường tiềm năng khu vực Bắc Âu, Đông Âu và SNG, khu vực Nam Thái Bình Dương (Đông Timo, Palau, Vanuatu), khu vực Đông Bắc Á (Mông Cổ, Triều Tiên), một số bang vùng Trung Hoa Kỳ.
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Giải pháp khác thực hiện Đề án là củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Cụ thể, củng cố, phát triển nhóm thị trường trọng điểm và những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh. Nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu của các nhóm ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong từng thời kỳ nhằm mở rộng và duy trì ổn định thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam.
Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất, phân phối ở nước ngoài. Tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với hàng hoá có thương hiệu, giá trị gia tăng cao. Tăng cường cơ chế hợp tác toàn diện với hệ thống phân phối lớn ở các thị trường khu vực...
Xây dựng các đại học đẳng cấp quốc tế của Việt Nam
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các trường đại học (ĐH) xuất sắc.
Thông báo kết luận nêu rõ, giai đoạn từ nay đến năm 2020, Thủ tướng yêu cầu cần tập trung đầu tư xây dựng hai ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh để sớm phát triển hai ĐH này thành các cơ sở giáo dục ĐH xuất sắc, hàng đầu của Việt Nam, từng bước vươn lên đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Đồng thời với việc Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, hai ĐH Quốc gia cần phát huy mạnh mẽ tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm để huy động, thu hút hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế, phục vụ tích cực cho mục tiêu phát triển, đồng thời chủ động giao và cho phép các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện các đề án đổi mới cơ chế hoạt động, tự chủ tài chính theo các chủ trương và quy định về tự chủ và đổi mới cơ chế hoạt động đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Giai đoạn những năm tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung xây dựng các trường hiện có: Trường ĐH Việt - Đức, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội và Trường ĐH Việt - Nhật hướng đến mục tiêu xây dựng thành các trường ĐH đẳng cấp quốc tế của Việt Nam.
Đầu tư sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người
Việt Nam là một trong số ít các nước có khả năng nghiên cứu và kinh nghiệm sản xuất vắc xin phòng bệnh cho người. Vắc xin do Việt Nam sản xuất không chỉ cung cấp đủ cho Chương trình tiêm chủng mở rộng mà còn xuất khẩu và được quốc tế ghi nhận.
Để tạo điều kiện thúc đẩy phát triển việc nghiên cứu khoa học và sản xuất vắc xin tạo ra sản phẩm vắc xin phòng bệnh cho người an toàn, hiệu quả, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Chính phủ xây dựng Dự án đầu tư nhà máy sản xuất vắc xin quy mô công nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 12/2015.
Bộ Y tế chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sản xuất vắc xin phối hợp với SCIC trong quá trình xây dựng Dự án.
Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho Chương trình nghiên cứu “Phát triển sản phẩm quốc gia vắc xin phòng bệnh cho người”.