(NTO) Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tháng 8 đã giảm 0,15%, trong đó chỉ số nhóm hàng hóa giảm 0,23%, ngược lại chỉ số nhóm dịch vụ khá ổn định so với tháng trước. Như vậy so với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 0,24% và tăng 1,10% so với tháng 12 năm trước. Nguyên nhân chủ yếu của việc giảm giá tháng này là do giá xăng dầu được điều chỉnh giảm mạnh, cùng với đó giá điện sinh hoạt giảm 1,14%, giá nước sinh hoạt giảm 0,69%; giá gas đồng loạt giảm... Cụ thể là, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,21%, trong đó: lương thực tăng 0,16% do ảnh hưởng của lương thực chế biến tăng từ tháng trước, thực phẩm tăng 0,28% do ảnh hưởng giá thịt gia cầm tăng 2,18%, giá thủy sản tươi sống tăng 0,49%, trái cây 0,71%. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,74%. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,80%. Nhóm giao thông giảm mạnh nhất trong 11 nhóm mặt hàng với chỉ số giảm 2,42%, góp phần giảm 0,23% CPI chung của tỉnh. Nhóm này giảm chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu giảm 5,41% so với tháng trước. Nhóm Giáo dục tăng nhẹ 0,04% chủ yếu sách giáo khoa tăng nhẹ 1,14%. Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,73% do một số đồ dùng cá nhân giảm 3,10%.
Các em học sinh mua sắm sách giáo khoa vào đầu năm học mới. Ảnh: Sơn Ngọc
So với tháng trước chỉ số giá vàng giảm 4,25% và giảm 11,37%. Ngược lại, chỉ số giá đôla Mỹ tăng 0,76% so với tháng trước và tăng 3,69% so với cùng kỳ năm trước.
Có thể nói, CPI trong tháng 8 tăng trưởng “âm” nên đã góp phần làm cho tổng mức bán ra của tất cả các thành phần kinh tế đều có xu hướng tăng lên, đặc biệt là khu vực tư nhân và cá thể do nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ của người dân tăng, hàng hóa trên thị trường đa dạng, phong phú về chủng loại, giá cả tương đối ổn định và giảm ở một số mặt hàng nên rất thuận lợi trong việc mua sắm của người dân; là tháng chuẩn bị cho năm học mới, nhu cầu mua sắm mặt hàng quần áo, sách, vở, dụng cụ học sinh tăng lên đáng kể. Tại các điểm kinh doanh sách giáo khoa và dụng cụ học sinh trên địa bàn Tp. Phan Rang- Tháp Chàm, hàng hóa mẫu mã đẹp, chất lượng được cải thiện, giá ổn định, trong đó hàng Việt được đa số phụ huynh, học sinh tin tưởng lựa chọn. So với tháng trước, doanh thu bán lẻ nhóm hàng may mặc tăng 3,8%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 2,23%, góp phần làm doanh thu bán lẻ hoạt động thương mại tăng 2% so với tháng trước...
Hạ Huyền