Cải cách thủ tục hành chính cần bắt đầu từ 5 công khai!

(NTO) Từ đầu năm đến nay, công tác cải cách hành chính (CCHC) tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện trên địa bàn tỉnh với các nội dung: về cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước, góp phần xây dựng các cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, tiến tới xây dựng một nền hành chính chính quy, hiện đại, nhất là cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân. Trong đó, nổi bật là lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính đã đạt nhiều kết quả tích cực, từng bước khắc phục những bất cập, chồng chéo trong các quy định hiện hành về trình tự, thủ tục tham mưu ban hành văn bản. Cơ chế ”một cửa”, ”một cửa liên thông” tiếp tục phát huy hiệu quả, tạo sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính nhằm giải quyết công việc cho người dân nhanh chóng, giảm số lần đi lại…

Bên cạnh đó, tinh thần trách nhiệm, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ có nhiều chuyển biến. Tác động rõ nét nhất là việc giải quyết các thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai. Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đạt trên 93% và chỉ còn 6,5% ý kiến không hài lòng...

 
Cán bộ phường Mỹ Hương giải quyết thủ tục cho người dân. Ảnh Văn Miên

Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác CCHC của tỉnh nói chung vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại một số cơ quan, đơn vị chưa được thực hiện thường xuyên; một số công chức, viên chức chưa thật sự tự giác trong việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, trong quá trình thực hiện còn mang tính đối phó; việc giải quyết các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn trễ hẹn, tồn đọng. Công tác phối hợp giữa cán bộ, công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả chưa nhịp nhàng, chặt chẽ...làm ảnh hưởng đến thời gian giải quyết theo quy định đã công khai. Cơ sở vật chất tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu...

Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, đầu tiên là nhận thức của lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương về vai trò của công tác CCHC nên chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành, chưa tạo được chuyển biến rõ nét trong công tác này. Mặt khác, chưa có cơ chế quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện công tác CCHC tại cơ quan, đơn vị; đặc biệt là cơ chế gắn kết kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC với việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét khen thưởng hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Để công tác CCHC ngày càng đi vào chiều sâu, thực sự lan tỏa ở các cấp, ngành, địa phương..., hoạt động theo phương châm phục vụ tốt nhất yêu cầu của tổ chức, công dân, doanh nghiệp, làm nên diện mạo mới cho nền hành chính tỉnh nhà... Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, cần tăng cường công khai minh bạch các hoạt động công vụ bằng nhiều hình thức nhằm đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ trong các cơ quan hành chính của tỉnh. Theo đó, cần thực hiện tốt 5 công khai: Một là, công khai đầy đủ các thủ tục hành chính, công khai quy trình giải quyết, thời gian giải quyết thủ tục hành chính; Hai là, công khai các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chế độ, chính sách, tiêu chuẩn, định mức liên quan đến ngành, lĩnh vực phụ trách; Ba là, công khai kết quả đánh giá, phân loại, thi đua, khen thưởng, kỷ luật tại cơ quan, đơn vị hoặc đăng trên trang thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị; Bốn là, công khai quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển hàng năm của ngành, lĩnh vực; Năm là, công khai kết quả giải quyết thủ tục hành chính hàng tháng của cơ quan, đơn vị.

Những nội dung đặt ra ở trên hoàn toàn có thể triển khai thực hiện. Vấn đề còn lại là quyết tâm và tính sẵn sàng của các cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công. Có như vậy, công tác cải cách hành chính của tỉnh mới tạo nên những đột phá mới, chất lượng mới, hiệu quả mới, đem lại chỉ số hài lòng cao.