Phan Tấn Cảnh
Giám đốc Sở Xây dựng
Trong giai đoạn 2010-2015, về phát triển KT-XH của tỉnh nói chung và của ngành Xây dựng nói riêng, được triển khai trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động suy thoái nền kinh tế, kinh tế vĩ mô không ổn định. Nguồn vốn đầu tư là yếu tố rất quan trọng để phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, các công trình sử dụng nguồn vốn của Trung ương và các địa phương phải dừng, đình hoãn, giãn tiến độ, ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, gây khó khăn cho công tác bảo đảm kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Quảng trường 16 Tháng 4 (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm). Ảnh: V.M
Với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, phát huy truyền thống đoàn kết, vận dụng sáng tạo chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ vào thực tiễn, ngành Xây dựng đã kịp thời nắm bắt toàn diện tình hình, xác định những vướng mắc, khó khăn lớn, tìm hiểu nguyên nhân để đề ra các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài nhằm khắc phục, tổ chức thực hiện quyết liệt để đảm bảo hoàn thành được các mục tiêu đề ra.
Một trong những lực lượng mũi nhọn của ngành Xây dựng chính là đội ngũ cán bộ, công chức, kỹ sư, kiến trúc sư tham gia thẩm định các đồ án quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, chi tiết trên địa bàn tỉnh, các khu, cụm công nghiệp với quy mô hàng ngàn ha, thỏa thuận quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) các xã. Đặc biệt, ngành Xây dựng đã đầu tư xây dựng các trục đường Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Thị Minh Khai bằng nguồn kinh phí sử dụng đất của hai bên các trục đường để hình thành các khu dân cư, khu đô thị nhằm từng bước xây dựng đồng bộ hệ thống Tp. Phan Rang–Tháp Chàm, góp phần mở rộng thành phố về phía Đông theo định hướng chung xây dựng Tp. Phan Rang–Tháp Chàm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Với định hướng quy hoạch phát triển Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, rõ nhất là khu đô thị phía Đông, khu vực ven biển Bình Sơn-Ninh Chử là trung tâm du lịch của tỉnh, thành phố đang đầu tư để hình thành khu đô thị biển. Hệ thống giao thông đô thị tiếp tục được đầu tư mở rộng và nâng cấp, tập trung vào các trục giao thông huyết mạch như đường vào cửa ngõ phía Bắc của thành phố đã đáp ứng yêu cầu lưu thông, chỉnh trang cảnh quan và phát triển đô thị. Đồng thời, công tác đầu tư hạ tầng cấp điện, viễn thông sử dụng chung được xã hội hóa để ngầm đồng bộ.
Công tác quản lý nhà nước về xây dựng và đô thị từng bước đi vào nền nếp; quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng đô thị, cụm dân cư nông thôn có những chuyển biến tích cực. Hoàn thành quy hoạch dải ven biển, quy hoạch Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, quy hoạch các khu đô thị và NTM cơ bản đáp ứng yêu cầu đầu tư phát triển KT-XH của địa phương. Hiện nay, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố đạt 57,94% và quy hoạch chi tiết 1/500 đạt 66,55%, đã góp phần nâng cao chất lượng đô thị. Thực hiện có hiệu quả chủ trương huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng đô thị Tp. Phan Rang-Tháp Chàm đạt tiêu chí đô thị loại II và được Thủ tướng Chính phủ công nhận vào tháng 4-2015.
Phối cảnh Khu trung tâm hành chính tỉnh do Hội Kiến trúc sư tỉnh phối hợp với đơn vị tư vấn liên doanh Nihon Sekkei - CONINCO Nhật Bản thực hiện.
Chủ động xây dựng các dự án, thu hút các nguồn vốn ODA để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đô thị và thoát nước, giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng cục bộ trong đô thị; tiếp tục mở rộng mạng lưới cấp nước đến các khu dân cư tập trung, năm 2015 có 92% dân số đô thị được cấp nước sinh hoạt. Hệ thống công viên, cây xanh thành phố, thị trấn được đầu tư, vệ sinh môi trường được cải thiện, bộ mặt đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh ngày được khang trang. Đề án Phát triển nhà ở xã hội hoàn thiện đưa vào sử dụng 18.255m2 nhà ở, tiếp tục triển khai 3 Dự án nhà ở xã hội quy mô 600 nhà, từng bước giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và đối tượng có thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh. Các dự án xây dựng nhà ở xã hội có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành phố, không chỉ giải quyết chỗ ở mà còn góp phần tạo thêm quỹ nhà, nâng cao chất lượng, tạo động lực phát triển đô thị bền vững.
Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng luôn được ngành Xây dựng chú trọng. Việc đưa gạch không nung được sử dụng phổ biến trong Nhân dân, từng bước trở thành vật liệu xây dựng chính trong tương lai. Ngoài các chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển, ngành đã tham mưu cho UBND tỉnh về sử dụng vật liệu xây dựng không nung trong các công trình xây dựng và giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát triển theo hướng mới.
Năng lực ngành Xây dựng tiếp tục phát triển, một số doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ đảm bảo năng lực thi công một số công trình có quy mô lớn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trên từng lĩnh vực vẫn còn nhiều hạn chế: Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và nhất là Tp. Phan Rang-Tháp Chàm vẫn còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu và tốc độ phát triển KT-XH, quy hoạch xây dựng nông thôn theo tiêu chí mới của chương trình NTM còn chậm. Việc thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực phát triển nhà ở đô thị chưa đạt kết quả như mong muốn.
Từ những kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, ngành Xây dựng rút ra những bài học kinh nghiệm để phát huy những thành tựu đã đạt được, cũng như khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị quyết, đó là: Phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung của cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan và địa phương để tập hợp được sức mạnh, phát huy trí tuệ, tính năng động, sáng tạo để cùng thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển KT-XH và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Phải giải quyết tốt những vấn đề bức xúc nảy sinh trong quá trình phát triển. Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế; tăng cường và nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố; thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch mang tính đột phá trong phát triển KT-XH của tỉnh.
Định hướng phát triển trong thời gian tới, ngành Xây dựng tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, phát triển ngành Xây dựng trở thành ngành kinh tế mạnh, hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, trình độ kỹ thuật cao, có nguồn nhân lực đảm bảo tính cạnh tranh, đủ khả năng triển khai các dự án lớn của tỉnh. Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và thực hiện các dự án quy hoạch phát triển đô thị. Hình thành các khu đô thị tập trung ven biển có quy mô hợp lý, các trung tâm kinh tế vùng; tiếp tục nâng cao chất lượng đô thị loại II, phát triển Tp. Phan Rang-Tháp Chàm trở thành đô thị thương mại, du lịch theo hướng văn minh, hiện đại, xanh-sạch-đẹp. Tiếp tục đầu tư nâng cấp thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đạt đô thị loại 4; thành lập mới thị trấn Phước Đại (Bác Ái) và Lợi Hải (Thuận Bắc). Từng bước hình thành Trung tâm hành chính tập trung của tỉnh, trước mắt thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị đầu tư. Phát triển nhiều loại hình nhà ở, văn phòng cao cấp đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và nhu cầu nhà ở của Nhân dân.
Với định hướng quy hoạch phát triển KT-XH của tỉnh, trong thời gian tới đặt ngành Xây dựng trước những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ trong việc kiện toàn bộ máy cũng như hoàn chỉnh quy chế quản lý, triển khai quy hoạch xây dựng đô thị. Chính vì thế, ngành Xây dựng đang phát huy nội lực, khai thác mọi thế mạnh, tăng cường đầu tư chiều sâu theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng NTM, không ngừng phát triển về mọi mặt. Triển khai thực hiện quản lý đô thị theo quy hoạch chung sẽ là tiền đề quan trọng cho tỉnh nhà ngày càng phát triển bền vững.