Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ
Giám đốc Công an tỉnh
|
Thiếu tướng Huỳnh Thế Kỳ Giám đốc Công an tỉnh |
Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố các công cụ bạo lực của cách mạng. Từ thực tiễn cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931), “Đội tự vệ đỏ” được thành lập để hỗ trợ và bảo vệ quần chúng nổi dậy phá nhà giam, đốt huyện đường, vây đồn lính, bắt giữ bọn hào lý, làm tan rã từng mảng chính quyền tay sai của đế quốc ở cơ sở; bảo vệ cán bộ, bảo vệ các phiên tòa của Xô Viết - Công Nông xét xử bọn phản cách mạng; giữ gìn an ninh trật tự ở những nơi có chính quyền Xô Viết. Đảng đã thấy rõ hơn vai trò của “Đội tự vệ” và rút ra bài học kinh nghiệm tiến hành cách mạng phải gắn liền với bảo vệ thành quả cách mạng. Tháng 3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất đã thông qua Nghị quyết quan trọng về “Đội tự vệ” để chỉ đạo cho các địa phương triển khai thực hiện.
Bên cạnh sự hoạt động rất tích cực, có hiệu quả của các đội “Tự vệ đỏ”, các đội “Danh dự trừ gian”, “Hộ lương diệt ác”, “Trinh sát”, “Tự vệ”…lần lượt ra đời- đó cũng chính là các tổ chức tiền thân của lực lượng CAND Việt Nam ngày nay đã cùng với các lực lượng cách mạng làm tan rã lực lượng địch, giành chính quyền về tay Nhân dân, làm nên Cách mạng Tháng Tám.
Ngày 19-8-1945 đánh dấu một mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc; Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền về tay Nhân dân, lực lượng CAND Việt nam chính thức ra đời và ngày 19-8 đã trở thành ngày Truyền thống của lực lượng CAND Việt Nam. Từ đó đến nay, trong từng giai đoạn cách mạng, dù tên gọi có khác nhau, nhưng lực lượng CAND đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần tô điểm vào trang sử hào hùng của Đảng, dân tộc
Ở Ninh Thuận, thực hiện chủ trương của Đảng, tháng 4-1945 “Đội danh dự” được thành lập với trang bị thô sơ nhưng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân. Ngay trong đêm 21-8 sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Ủy ban Cách mạng lâm thời tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức ngay 2 lực lượng Trinh sát và Cảnh sát để làm nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Nhân dân.
Nhằm thống nhất về tổ chức lực lượng và công tác chỉ đạo cuộc đấu tranh chống phản cách mạng, ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 23/SL hợp nhất các lực lượng Liêm phóng và Cảnh sát trong toàn quốc thành Việt Nam Công an vụ. Ở Trung ương có Nha Công an Trung ương, ở 3 miền Bắc - Trung - Nam có Sở Công an, ở các tỉnh, thành phố có Ty Công an.
Bảng vàng truyền thống
Trải qua 70 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng cho 12 tập thể, 3 cá nhân; Huân chương Hồ Chí Minh cho 89 tập thể, 10 cá nhân; tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho 663 lượt tập thể và 380 cá nhân; tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho 1 tập thể, 1 cá nhân; 84 đơn vị và 179 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và hàng trăm Huân chương Quân công; hàng vạn Huân chương Chiến công, Huân chương Lao động, Huy chương các loại.
Lực lượng Công an Ninh Thuận được tặng thưởng: 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Lao động hạng Ba; 2 đơn vị được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 1 Cờ luân lưu của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 1 Cờ luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng; 2 Lẵng hoa của Bác Tôn; hơn 1000 Huân, Huy chương các loại và hàng ngàn bằng khen của Đảng và Nhà nước.
Tại Ninh Thuận, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ và Công an Khu V, đầu năm 1948 lực lượng Cảnh sát và Trinh sát Ninh Thuận được thống nhất thành Ty Công an Ninh Thuận. Bộ máy được xây dựng có hệ thống từ tỉnh đến xã, đẩy mạnh các mặt hoạt động diệt tề, trừ gian. Chỉ trong một thời gian ngắn, lực lượng công an đã tiêu diệt hàng chục tên tề, điệp, ác ôn nguy hiểm góp phần bảo vệ lực lượng cách mạng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, CAND Việt Nam nói chung, Công an Ninh Thuận nói riêng đã cùng đồng bào, chiến sỹ cả nước bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, chính quyền, bảo vệ vùng tự do, phá tề, trừ gian trong vùng địch; vận động Nhân dân thực hiện phong trào “Ba không”, “Bảo mật phòng gian”, phối hợp với các cơ quan tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, đấu tranh đập tan các hoạt động gián điệp tạo hậu thuẫn vững chắc cho lực lượng chiến đấu phía trước, góp phần cùng quân và dân cả nước làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của Nhân dân ta.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lực lượng CAND ở cả 2 miền Nam - Bắc đã tích cực, chủ động tham mưu cho Đảng, chính quyền cách mạng vận động Nhân dân thực hiện tốt 2 nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam: bảo vệ và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, lực lượng an ninh ở các tỉnh, thành phố miền Nam, trong đó có An ninh Ninh Thuận đã kiên cường bám trụ, dũng cảm chiến đấu đối chọi với bộ máy tình báo, gián điệp nhà nghề và bọn phản động tay sai gian ác. Mặt khác, triển khai các mặt công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ Mặt trận dân tộc giải phóng, bảo vệ căn cứ cách mạng, trấn áp bọn gián điệp, phản động, trừ gian, diệt ác, trừng trị bọn ác ôn có nhiều nợ máu với Nhân dân. Chiến đấu ở một chiến trường hết sức gian khổ và ác liệt, sự chỉ đạo, chi viện của Trung ương rất khó khăn, trong khi đó, địch lại tập trung phong tỏa, kìm kẹp nhằm bảo vệ địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng; trong bối cảnh cực kỳ khó khăn ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp là Tỉnh ủy Ninh Thuận, lực lượng An ninh Ninh Thuận đã phát huy truyền thống tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn hiểm nghèo, đạp bằng mọi gian nan, thử thách, anh dũng xông lên phía trước, ngoan cường chiến đấu, tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với sự nghiệp cách mạng, luôn vững vàng, không một chút nao núng, sờn lòng, tin tưởng đến ngày thắng lợi hoàn toàn.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, lực lượng CAND trong cả nước tiếp tục bước vào cuộc chiến đấu mới. Trong bối cảnh đất nước vừa có hòa bình, vừa có chiến tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng CAND đã đoàn kết, cảnh giác, mưu trí, dũng cảm, cùng với Quân đội nhân dân đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch và các thế lực phản động, bảo vệ thành quả cách mạng mà Đảng và Nhân dân ta đã giành được. Đồng thời, tích cực tham mưu cho Đảng, chính quyền cách mạng đấu tranh bài trừ những tàn dư và tệ nạn xã hội khác, thiết lập trật tự xã hội mới.
Ngày 1-2-1976, 3 tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy được hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Ngay sau khi sát nhập, dưới sự lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động triển khai toàn diện các mặt công tác công an, tiếp tục bóc gỡ các tổ chức phản động, mạng lưới tình báo, gián điệp do địch cài lại, bắt hàng chục tên tề điệp, ác ôn không chịu trình diện đưa đi cải tạo; đặc biệt là sự phối hợp với các ngành, vừa kiên trì vận động quần chúng, vừa tiến hành các biện pháp nghiệp vụ sắc bén để giải quyết các vấn đề Fulro trên địa bàn Ninh Thuận; khám phá hàng trăm vụ án hình sự, bắt cải tạo hàng trăm đối tượng lưu manh, côn đồ...giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương.
Từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, lực lượng Công an Ninh Thuận vừa chăm lo xây dựng lực lượng trong sạch, vững mạnh theo 6 điều Bác Hồ dạy, vừa trau dồi, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, vững vàng, kiên định, nhạy bén, bản lĩnh trong mọi tình huống, đúc kết kinh nghiệm trong đấu tranh phòng chống tội phạm, vừa tập trung triển khai các kế hoạch công tác, phương án phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước, của cấp trên về nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, tập trung chỉ đạo các mặt công tác công an, vận dụng đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp nghiệp vụ của ngành, chủ động phòng ngừa, chủ động tấn công đấu tranh có hiệu quả với mọi hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Trong quá trình chiến đấu và xây dựng lực lượng, Công an Ninh Thuận đã từng bước trưởng thành rõ nét về nhiều mặt, tạo được niềm tin của Đảng, chính quyền và Nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương.
Trong những năm tiếp theo, bên cạnh thời cơ, vận hội mới, lực lượng công an cũng đang đứng trước nguy cơ, thách thức mới, đó là: các thế lực thù địch ráo riết thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn; tội phạm hình sự manh động, táo bạo... đặt ra nhiệm vụ bảo vệ ANTQ và giữ gìn TTATXH hết sức nặng nề, phức tạp, gay go quyết liệt. Để thực hiện mục tiêu “Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng và chế độ XHCN, bảo vệ Nhân dân, tạo thế chủ động chiến lược, đẩy lùi, ngăn chặn, làm thất bại âm mưu hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, TTATXH, tạo môi trường thuận lợi cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH và định hướng XHCN, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN”, lực lượng Công an Ninh Thuận cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và ngành giao phó với những trọng tâm công tác sau:
Một là, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác đảm bảo ANTT, nhất là trong dự báo tình hình để chủ động có biện pháp phòng ngừa, không để xảy ra đột biến bất ngờ, tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác công an trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị xây dựng thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.
Hai là, trực tiếp phối hợp với các ngành, đoàn thể thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án liên ngành để giải quyết tốt những vấn đề nổi lên liên quan đến ANTT, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh nội bộ, bảo vệ tuyệt đối, an toàn các sự kiện chính trị, văn hóa trọng đại.
Ba là, tiếp tục thực hiện công tác cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước về ANTT để phục vụ yêu cầu chính đáng của Nhân dân; đẩy mạnh cải cách tư pháp, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động điều tra hình sự và hỗ trợ tư pháp, thi hành án hình sự; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản, đáp ứng yêu cầu nắm chắc tình hình nhằm triển khai hiệu quả các phương án đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn TTATXH trong tình hình mới.
Bốn là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng cho CB-CS, mài sắc tinh thần cảnh giác, sẵn sàng vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực khắc phục yếu kém sơ hở; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI): “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và phong trào “CAND học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, xứng đáng với truyền thống 70 năm CAND và niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà.