Năm 1956, Thủ đô Hà Nội vừa được giải phóng, Nguyễn Trâm bước vào giảng đường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Hà Nội, khóa I. Ông học giỏi tất cả các môn - nhất là môn học chuyên ngành, lại chủ động tham gia đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) nên được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Cầu Hầm.
Năm 1962, ông cùng tổ bộ môn phấn đấu để được công nhận là Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa đầu tiên của ngành đại học cùng với Tổ Toán và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Ông hăng hái tham gia nhiều công trình như: Phụ trách thiết kế cầu Đoan Vĩ (Hà Nam – Ninh Bình) trên sông Đáy; cùng đồng nghiệp khảo sát tuyến đường miền Trung để chuẩn bị cho đường Hồ Chí Minh vượt qua sông Bến Hải.
Sau đó, GS Nguyễn Trâm tham gia thiết kế và thi công cầu Phủ Lỗ - cây cầu bê tông ứng suất đầu tiên ở Việt Nam. Ông đã hướng dẫn nhiều sinh viên NCKH xây dựng những công trình cầu đường.
Một số sinh viên khá giỏi khóa 4 ngành Cầu đường (Khoa Xây dựng, Trường ĐHBK) đã lập thành nhóm nghiên cứu cầu bê tông ứng suất do ông chủ trương và tổ chức.
Sinh viên Nguyễn Hữu Toàn áp dụng kiến thức đó trong đồ án tốt nghiệp, được nhà trường chọn làm quà tặng Nhà Vua Lào trong dịp Ngài sang thăm Hà Nội và đến Trường ĐHBK Hà Nội.
Chiến tranh phá hoại của Mỹ ngày càng leo thang ác liệt, GS Nguyễn Trâm được chỉ định dạy một lớp sinh viên khóa 6 toàn Khoa Xây dựng thuộc tất cả các ngành học chung một chuyên đề “Khôi phục cầu cống” để chuẩn bị đối phó chiến tranh phá hoại.
Thầy Trâm tự soạn theo giáo trình của Liên Xô thời chiến tranh vệ quốc và kết hợp với thực tế Việt Nam. Cùng với tổ bộ môn, thầy Trâm tham gia thiết kế cầu Bòn, tham gia nhóm nghiên cứu cầu treo dã chiến cùng Bộ Quốc phòng.
Năm 1967 – 1970, nghiên cứu sinh Nguyễn Trâm vừa nghiên cứu vừa tích cực tham gia phong trào lưu học sinh ở Matxcơva (Liên Xô cũ).
Sau khi bảo vệ luận án TS kỹ thuật (tương đương Ph.D) xuất sắc, TS Nguyễn Trâm về nước giảng dạy ở ĐH Xây dựng Hà Nội, tham gia giảng dạy, NCKH, hướng dẫn sinh viên thực tập, thiết kế sơ đồ cầu Thăng Long, hệ thống cầu trên đường mòn Hồ Chí Minh, cầu sắt Hà Nội – Hải Phòng, cải tạo cầu Hải Phòng, nghiên cứu mỹ thuật cầu Thăng Long, cầu trên mỏ Apatit Lào Cai...
Cuối năm 1980, TS Nguyễn Trâm lại lên đường sang Liên Xô cũ làm NCS cấp 2 (TSKH). Luận án TSKH “Lý thuyết tính toán không gian kết cấu công trình cầu như một hệ thống phức hợp” của ông được tất cả các phản biện và cơ quan nhận xét đánh giá rất cao vì đề tài có nhiều vấn đề mới, biết sử dụng các phương pháp số hiện đại, phân tích tính toán cụ thể liên quan tới các công trình cụ thể phức tạp...
Sau khi bảo vệ luận án TSKH, năm 1984 thầy Trâm về nước trở lại Trường ĐH Xây dựng Hà Nội làm chủ nhiệm Khoa sau ĐH. Sau đó là Giám đốc Trung tâm (Viện Kiến trúc nhiệt đới ĐH Kiến trúc Hà Nội), Ủy viên sáng lập Hội Cầu đường Việt Nam, Phó Chủ tịch hội, Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Hội Cơ học Việt Nam, Ủy viên sáng lập Hội Cơ học vật rắn biến dạng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Cơ học vật rắn biến dạng.
GS.TSKH Nguyễn Trâm có nhiều cống hiến về chuyên môn: Giảng dạy 9 trường ĐH và các lớp sau ĐH trong và ngoài nước, hướng dẫn 31 sinh viên đạt giải Loa Thành (đồ án tốt nghiệp xuất sắc ngành xây dựng cơ bản).
Soạn in tài liệu ĐH và sau ĐH: Dịch 5 tài liệu, viết 14 tài liệu (trong đó gồm 2 tài liệu viết bằng tiếng Pháp), hướng dẫn 9 NCS trong đó có 6 tiến sĩ và 32 thạc sĩ đã bảo vệ thành công.
Tham gia 39 hội đồng bảo vệ luận án TS và TSKH tại các trường ĐH. Tham gia chủ trì 4 đề tài cấp Bộ và nhiều đề tài cấp cơ sở, công bố 127 bài báo, tạp chí (từ năm 1970 - 2014), trong đó có 20 công trình viết bằng tiếng Nga, Anh, Pháp, Đức.
Là tổ trưởng tham gia Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước các cầu cầu lớn: cầu Bãi Cháy (2003 – 2006), cầu Nhật Tân (2009), cầu Phả Lại (2009). Tham gia tiểu ban kỹ thuật trong Hội đồng cầu Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, đánh giá sự cố cầu Rào (Hải Phòng), cầu Cần Thơ.
Tham gia thiết kế hơn 50 cầu các loại (trong đó có 10 cầu lớn) thẩm định 12 cầu lớn, chủ trì giải pháp kết cấu lõi tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ (2004). Thiết kế các công trình ở Hà Nội: Cầu Phủ Lỗ, Mai Động, cầu Đăm, cầu vượt Ngã Tư Vọng, cầu Nhật Tân, Thăng Long, Chương Dương, Thanh Trì, cầu giàn mái cung thể thao Quần Ngựa...
Hơn 50 năm công tác, giờ đây, thầy Trâm đã ở tuổi 80 nhưng vẫn không ngừng cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, xây dựng đất nước. Hiện nay thầy vẫn hướng dẫn NCS làm luận án tiến sĩ, thạc sĩ, là Ủy viên HĐKH của Hội Cầu đường Việt Nam.
Với những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục và xây dựng đất nước, GS.TSKH Nguyễn Trâm được phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú, đợt phong tặng đầu tiên của Nhà nước (1988), bằng Lao động sáng tạo (1989), Huân chương chống Mỹ (1985) và nhiều huy chương khác.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại