Mặt khác, các ngành, địa phương và Nhân dân tích cực tham gia nên đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng thu ngân sách, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Chỉ tính qua 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý trên 846 vụ vi phạm, xử phạt trên 20,14 tỷ đồng. Trong đó, thu phạt vi phạm hành chính trên 6,76 tỷ đồng, phạt bổ sung và truy thu thuế trên 11,73 tỷ đồng...
Cán bộ Đội Quản lý thị trường số 5 kiểm tra thu giữ hàng nhập lậu. Ảnh: Văn Thanh
Tuy nhiên, thực tế phải nhìn nhận rằng, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản; tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, gian lận thương mại và hàng giả vẫn còn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, làm thất thu ngân sách, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Nạn kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa hết hạn sử dụng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…có chiều hướng gia tăng, trong đó có nhiều chủng loại được bày bán công khai, đặc biệt là các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân như thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…chưa được đẩy lùi. Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nổi lên là một số ngành, địa phương, các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm chỉ đạo, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội vào đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…
Để thực hiện tốt công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến cuối năm, yêu cầu đặt ra là cần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và tạo được chuyển biến căn bản về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Theo đó, các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng cần đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp và tổ chức thực hiện kiên quyết, hiệu quả để góp phần giảm thiểu những nguy hại của buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, kinh doanh hàng giả đối với kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, an toàn của cộng đồng, sức khỏe của người dân. Trong đó, cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ và giải pháp như: Tăng cường công tác điều tra, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra để phát hiện, phòng ngừa vi phạm, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; củng cố lực lượng làm công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo hướng tập trung, chuyên sâu, phân định rõ trách nhiệm theo địa bàn, lĩnh vực và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh những cán bộ, công chức tiếp tay, dung túng hoặc có biểu hiện tiêu cực khác trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, gian lận về đo lường, …
Về lâu dài, thiết nghĩ yếu tố quan trọng là cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương thức, quy trình quản lý, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có như vậy sẽ góp phần hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng.
Tuấn Dũng