Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng
Ngày 7/8, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng đã chủ trì phiên họp các thành viên Ban Chỉ đạo để thảo luận và cho ý kiến về kế hoạch tổng kết việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng.
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong báo cáo tổng kết cần làm rõ 18 nội dung trong công tác phòng chống tham nhũng, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các cơ quan chức năng chủ động phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện các hành vi tham nhũng; quan tâm, chú trọng bảo vệ người tố giác hành vi tham nhũng; cung cấp thông tin đầy đủ cho các cơ quan thông tấn báo chí về các gương điển hình, từ đó nhân rộng gương cá nhân, tổ chức trong phòng chống tham nhũng. Đặc biệt, phải bám sát vào các nội dung cơ bản trong Luật Phòng chống tham nhũng.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Dự thảo Báo cáo của Ban Chỉ đạo sát với các nội dung trong Luật Phòng chống tham nhũng.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh công tác phòng chống tham nhũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhiều nội dung cụ thể được nhân dân chú ý. Vì vậy các bộ, ngành, địa phương, các thành viên Ban Chỉ đạo cần thực hiện nghiêm, theo đúng yêu cầu của Bộ Chính trị trong công tác phòng chống tham nhũng. Từ đó hoàn thiện Báo cáo, tạo tiền đề, cơ sở để đề ra những chủ trương, giải pháp xác thực, phù hợp với thực tiễn để triển khai trong thời gian tới.
Theo kế hoạch, các bộ, ngành địa phương gửi dự thảo báo cáo, số liệu chậm nhất đến Thanh tra Chính phủ vào ngày 30/11; tổ chức hội nghị tổng kết và hoàn thành gửi báo cáo về Thanh tra Chính phủ chậm nhất vào tháng 1/2016; gửi báo cáo chuyên đề về Ban Chỉ đạo vào tháng 2/2016.
Dự kiến, Hội nghị tổng kết 10 năm Luật Phòng chống tham nhũng được tổ chức vào tháng 4/2016.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dự Hội thảo về huy động vốn ODA tại Đà Nẵng
Sáng 7/8, tại Đà Nẵng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đến dự và phát biểu tại hội thảo “Hoạt động ODA tại Việt Nam –20 năm nhìn lại” do Ban Kinh tế Trung ương và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Theo báo cáo tại hội thảo, lũy kế từ năm 1993 đến 2014, tổng giá trị vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 89,5 tỷ USD, tổng vốn đã ký kết đạt 73,68 tỷ USD bình quân 3,5 tỷ USD/năm. tính đến tháng 12/2012 đã có 20 Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG thường niên) được tổ chức. Từ 2013, các quan hệ hợp tác của Việt Nam với các Nhà tài trợ được nâng lên tầm đối tác thông qua Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam (chủ yếu từ các nước Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hiệp hội Phát triển Quốc tế IDA, ADB, WB).
Đồng thời, hiệu quả sử dụng vốn ODA cũng được các nhà tài trợ đánh giá tích cực, Việt Nam tiếp tục là nước sử dụng nguồn vốn ODA tốt. Khoảng 80 tỷ USD mà các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trong 20 năm qua không chỉ mang đến cho Việt Nam nguồn vốn bổ sung quan trọng phục vụ quá trình phát triển kinh tế -xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... mà còn khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc đổi mới và chính sách phát triển đúng đắn của Đảng và Chính phủ Việt Nam, sự tin tưởng của các nhà tài trợ vào hiệu quả tiếp nhận và sử dụng vốn ODA của Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh nhấn mạnh nguồn ODA đã cung cấp một lượng vốn lớn quan trọng cho Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước và xã hội của Việt Nam chưa được phát huy cao độ. Với lượng vốn ODA qua 20 năm cam kết chiếm trên 10% trên tổng nguồn vốn của xã hội đã đóng góp tích cực vào đầu tư phát triển cho Việt Nam, nhất là các lĩnh vực quan trọng như giao thông, điện lực, thủy lợi, cơ sở hạ tầng đô thị, y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu…
“Thông qua ODA, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, nâng cao năng lực quản lý, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, hội nhập kinh tế quốc tế. Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, tôi đánh giá cao và cảm ơn cộng đồng quốc tế đã tài trợ, đồng hành, hỗ trợ cho sự phát triển của Việt Nam trong 20 năm qua”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, bên cạnh kết quả nổi bật trên, công tác thu hút, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian qua còn bộc lộ hạn chế, tồn tại. Trước hết là năng lực hấp thụ ODA của các quốc gia, ngành, địa phương còn hạn chế, tỷ lệ giải ngân ODA so với nguồn vốn ODA đã ký còn thấp.
Bên cạnh đó, khuôn khổ thể chế, pháp luật quản lý ODA đã được cải thiện qua nhiều năm, song quy trình, thủ tục vẫn còn phức tạp, phiền hà; năng lực quản lý chương trình, dự án ở một số nơi, ở một số địa bàn vẫn chưa theo kịp yêu cầu quản lý ngày càng cao cả trong nước và quốc tế…
Trước hạn chế đó, Phó Thủ tướng cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiêm túc đánh giá, khắc phục cả về cơ chế chính sách, cả về các giải pháp trong quản lý ODA, tăng cường thanh tra, kiểm tra, làm sao đảm bảo nguồn vốn ODA được sử dụng đúng mục đích, đạt hiệu quả cao. Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và cảm kết nỗ lực hết sức mình để sử dụng nguồn vốn ODA một cách có hiệu quả nhất.
Tại Hội thảo, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương, các nhà quản lý lắng nghe ý kiến từ các phía, các chuyên gia đề xuất chính phủ có chính sách, giải pháp quản lý, huy động nguồn vốn nói chung, trong đó có vốn ODA một cách hiệu quả.
Trong quá trình phát triển hiện nay, nhu cầu vốn của Việt Nam rất lớn, nhất là lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà tài trợ quan tâm, tiếp tục cung cấp vốn ODA và các nguồn vốn ưu đãi khác để Việt Nam có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội một cách nhanh, bền vững.
Văn phòng Chính phủ