1. Nhận lời mời của Thủ tướng Malaysia, Ngài Najib Rajak, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thăm chính thức Malaysia từ ngày 07 đến ngày 08 tháng 8 năm 2015.
2. Trong chuyến thăm, Ngài Thủ tướng Najib Rajak đã hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào ngày 07 tháng 8 năm 2015. Hai bên bày tỏ hài lòng về những tiến bộ đáng kể trong quan hệ song phương kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30 tháng 3 năm 1973. Trên cơ sở 42 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai nhà lãnh đạo công nhận tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác gắn bó và phát triển hơn nữa giữa hai nước.
3. Hai bên nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác và gắn bó giữa hai nước đã phát triển vượt bậc cả về bề rộng và bề sâu trong hơn 40 năm qua, với những thành tựu và tiến triển thực chất trên các lĩnh vực từ chính trị đến quan hệ ngoại giao, từ hợp tác song phương đến khu vực và quốc tế, hợp tác kinh tế, tài chính, thương mại và đầu tư, hợp tác quốc phòng và an ninh, nông nghiệp, lao động, năng lượng, giáo dục, văn hóa, thể thao và thanh niên, các hoạt động xã hội, du lịch và giao thông cũng như khoa học, công nghệ và sáng tạo. Quan hệ tốt đẹp đó đã đưa đến những đóng góp tích cực hướng tới việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy thịnh vượng trong khu vực và thế giới.
4. Hai nhà lãnh đạo tái xác nhận tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và sự hợp tác rộng rãi giữa Việt Nam và Malaysia trên các vấn đề toàn cầu và khu vực. Hai bên nhất trí thiết lập Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Malaysia. Quan hệ Đối tác này tạo ra khuôn khổ rõ ràng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trên quan điểm chiến lược, toàn diện và lâu dài, gia tăng tin cậy và đẩy mạnh hợp tác trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng, cùng có lợi và vì lợi ích của nhân dân hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí quan chức hai nước sẽ trao đổi và xây dựng một Kế hoạch Hành động nhằm thúc đẩy những mối quan tâm này.
5. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao và các cấp, tăng cường quan hệ trên các kênh Chính phủ, Đảng, Quốc hội. Hai bên khuyến khích tăng cường các hoạt động giao lưu hợp tác giữa Hội hữu nghị Việt Nam-Malaysia và các tổ chức liên quan của Malaysia nhằm tăng cường kết nối và góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hữu nghị, hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
6. Hai bên nhất trí duy trì và phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác như Đối thoại quan chức cấp cao Việt Nam-Malaysia (SOD) nhằm khuyến khích các cuộc tham vấn và đối thoại thường niên giữa quan chức cấp cao của hai nước và hai Bộ Ngoại giao cũng như giữa các bộ, ngành khác nhằm đẩy mạnh hợp tác và trao đổi quan điểm về các vấn đề song phương, các vấn đề lớn trong khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
7. Hai bên nhất trí thực hiện hiệu quả Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Malaysia về hợp tác quốc phòng song phương (2008). Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng, góp phần củng cố lòng tin, đóng góp vào việc duy trì an ninh, ổn định ở khu vực; chú trọng hợp tác hải quân, hợp tác nâng cao năng lực phối hợp giữa các lực lượng quốc phòng hai nước và đa phương với các nước ASEAN trong ứng phó với các thách thức phi truyền thống, chia sẻ thông tin về các vấn đề chiến lược, quốc phòng, an ninh. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc phòng khu vực, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN hòa bình, thịnh vượng và vững mạnh.
8. Hai bên coi trọng hợp tác an ninh và nhất trí tăng cường hợp tác chống tội phạm có tổ chức/tội phạm xuyên quốc gia và chỉ định các cơ quan đầu mối phụ trách các vấn đề an ninh quốc gia của mỗi bên. Hai bên tái khẳng định cam kết không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào sử dụng lãnh thổ của nước này tiến hành các hoạt động chống phá lại nước kia. Hai bên cũng nhất trí sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và Hiệp định song phương về phòng, chống tội phạm mua bán người giữa Việt Nam và Malaysia, tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống tội phạm.
9. Hai bên đánh giá cao những tiến triển mạnh mẽ trong quan hệ kinh tế Việt Nam và Malaysia, trong đó thương mại hai chiều đạt hơn 9 tỷ USD trong năm 2014; cam kết duy trì tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh kinh tế và tài chính toàn cầu đang gặp nhiều thách thức. Hai bên nhất trí tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác nhằm đẩy mạnh quan hệ thương mại song phương. Hai bên nhất trí hợp tác chặt chẽ để tăng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD hoặc cao hơn vào năm 2020; tiến hành trao đổi thường xuyên các đoàn thương mại, tổ chức các hội chợ và triển lãm thương mại; tăng cường kết nối giữa phòng thương mại hai nước và các hiệp hội sản xuất của Malaysia và Việt Nam nhằm phát triển thương mại và cơ hội tiếp cận thị trường. Hai bên cũng tái cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư tại mỗi nước.
10. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác song phương và những cách tiếp cận chung nhằm tham gia một cách có hiệu quả hơn trong các diễn đàn đa phương và khu vực như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Hai bên cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác và tăng cường kết nối hai nền kinh tế nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. Hai bên nhất trí cùng thúc đẩy để khu vực tư nhân hai nước tận dụng được các lợi ích và cơ hội đem lại từ Hiệp định Đầu tư toàn diện ASEAN (ACIA), Hiệp định khuôn khổ ASEAN về dịch vụ (AFAS) và Hiệp định Đầu tư toàn diện (ACIA) và các thỏa thuận khác mà hai bên cùng tham gia.
11. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác hướng tới thúc đẩy quan hệ tài chính gần gũi hơn và nâng cao hệ thống giám sát và điều hành của ngân hàng, bảo hiểm, thị trường vốn và lĩnh vực bổ trợ khác của tài chính bao gồm các dịch vụ tài chính khác và nhận thức tầm quan trọng của các biện pháp xây dựng năng lực để đạt được các mục tiêu này, trên cơ sở các Bản ghi nhớ hiện hành giữa Ngân hàng Quốc gia Malaysia và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng các Bản ghi nhớ khác được ký kết giữa các cơ quan liên quan của hai nước.
12. Hai bên nhất trí khuyến khích đối thoại và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, ngư nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, vệ sinh và kiểm dịch thực vật và phát triển nông thôn. Hai bên nhất trí trao đổi thông tin về chính sách nông nghiệp và các khả năng hỗ trợ thương mại trong nông nghiệp thông qua việc tổ chức họp Nhóm Công tác chung theo khuôn khổ Bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp được ký ngày 04 tháng 4 năm 2014.
13. Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trong việc tuyển dụng lao động nước ngoài nhằm nâng cao chất lượng tuyển dụng lao động Việt Nam sang lao động tại Malaysia. Hai bên cũng nhất trí thiết lập Bản ghi nhớ về việc tuyển dụng và bố trí lao động Việt Nam làm giúp việc gia đình tại Malaysia.
14. Hai bên cam kết đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, điện và năng lượng tái tạo. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thiết lập thỏa thuận liên doanh giữa Tenaga Nasional Berhard (TNB) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hai bên tái khẳng định tăng cường hợp tác lâu dài trong lĩnh vực dầu khí gữa Petronas và Petro Việt Nam và nhất trí không chỉ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện triển khai các dự án hiện có mà còn mở rộng hợp tác đầu tư tại nước thứ ba, tiến tới thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai công ty dầu khí quốc gia.
15. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và nghề cá. Liên quan đến hoạt động “đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không theo quy định” (IUU), hai bên nhất trí tăng cường hợp tác giải quyết vấn đề này trong khuôn khổ Chương trình hành động khu vực về IUU. Hai bên nhất trí sẽ trao đổi các biện pháp giải quyết vấn đề liên quan đến đánh bắt cá trái phép tại cuộc họp Tiểu ban kỹ thuật về Nghề cá sẽ được tổ chức sắp tới theo khuôn khổ Bản ghi nhớ về Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Malaysia.
16. Hai bên hoan nghênh việc đàm phán Bản ghi nhớ về hợp tác pháp lý giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Văn phòng Tổng Chưởng lý Malaysia và khuyến khích sớm kết thúc đàm phán.
17. Hai bên nhất trí tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, bao gồm chương trình trao đổi học giả, giáo viên, chuyên gia, sinh viên và thúc đẩy trao đổi và hợp tác giữa các cơ sở giáo dục của hai bên.
18. Hai bên khẳng định sẵn sàng mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực khác, trong đó có văn hóa, thanh niên và thể thao, các hoạt động xã hội, du lịch, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh truyền hình, báo chí, xuất bản.
19. Hai bên nhất trí tăng cường trao đổi quan điểm, hợp tác sâu rộng, phối hợp lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và tổ chức khu vực và quốc tế như Liên Hợp Quốc và các tổ chức của Liên Hợp Quốc, Phong trào không liên kết, ASEM, FEALAC cũng như các cơ chế của ASEAN với các nước đối thoại. Hai bên cam kết xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và giai đoạn phát triển Cộng đồng sau năm 2015, đồng thời chú trọng tăng cường liên kết, kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường hợp tác tiểu vùng, quản lý và giảm nhẹ thiên tai, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hợp tác về các vấn đề biển.
20. Cùng là những quốc gia biển, hai Lãnh đạo thừa nhận tầm quan trọng của việc thiết lập quan hệ hợp tác biển chặt chẽ, bao gồm việc chia sẻ thông tin và tình báo trong đối phó với các thách thức an ninh biển, tăng cường kết nối cảng biển và vận tải biển, đẩy mạnh phối hợp trong các hoạt động tìm kiếm cứu nạn cũng như các hoạt động khác do hai bên thỏa thuận.
21. Hai Thủ tướng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề liên quan đến Biển Đông và bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến gần đây trên Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định, tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông. Hai Thủ tướng nhất trí việc duy trì đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN là vô cùng quan trọng trong việc giải quyết vấn đề trên.
22. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng đối với các bên liên quan trong việc giải quyết sự khác biệt và các tranh chấp hàng hải bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp và leo thang căng thẳng, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp và khác biệt tại Biển Đông.
23. Hai Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng và cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC). Hai bên cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); kêu gọi các bên tăng cường tham vấn, nỗ lực hợp tác nhằm xây dựng, duy trì và củng cố lòng tin cũng như tìm được một giải pháp lâu dài cho những tranh chấp ở Biển Đông. Hai Thủ tướng kêu gọi các bên tăng cường tham vấn, gia tăng nỗ lực nhằm xây dựng, duy trì và củng cố lòng tin cũng như tìm được giải pháp lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
24. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Malaysia về sự đón tiếp nồng hậu dành cho Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trân trọng mời Thủ tướng Najib Rajak sang thăm chính thức Việt Nam vào thời gian thuận tiện. Thủ tướng Najib Rajak đã vui vẻ nhận lời.
Nguồn www.chinhphu.vn