Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Nguyễn Thị Kim Ngân và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng với các đại biểu dự Đại hội. (Ảnh: TTXVN)
Diễn ra trong năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, với chủ đề: "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", Đại hội thi đua yêu nước Văn phòng Quốc hội lần thứ III đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2010 - 2015 đối với công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 5 năm qua; đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020. Đây cũng là dịp biểu dương tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc; qua đó khơi dậy sức mạnh đoàn kết, tạo động lực mới góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua và công tác khen thưởng, Văn phòng Quốc hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác thi đua, khen thưởng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể về vị trí, vai trò của phong trào thi đua và công tác khen thưởng được nâng lên. Phong trào thi đua có nhiều sáng tạo, đổi mới; phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các phong trào thi đua sâu, rộng, có chủ đề, mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng, cụ thể. Nội dung thi đua thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của Văn phòng Quốc hội. Công tác khen thưởng được thực hiện kịp thời, đúng quy định của pháp luật và đã động viên khích lệ công chức, viên chức, người lao động nỗ lực khắc phục khó khăn, hăng say làm việc.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Lao động hạng Ba
cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước
giai đoạn 2010-2015. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng tại cơ quan Văn phòng Quốc hội còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Thực tế cho thấy, nhận thức về thi đua và phong trào thi đua của một số đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động còn chưa đồng đều nên phong trào thi đua có lúc, có nơi còn nặng về hình thức, chưa sâu sắc, thiết thực, chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ được giao. Sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng ở một số đơn vị cơ sở còn chưa được quan tâm đúng mức...
Trong 5 năm tới (2015 - 2020) là thời điểm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và của Quốc hội. Tổng kết, rút kinh nghiệm nhiệm kỳ Khóa XIII, Quốc hội bước vào nhiệm kỳ Khóa XIV với nhiệm vụ nổi bật và hết sức quan trọng là thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng thành pháp luật của Nhà nước, cụ thể hóa Hiến pháp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tham gia, đóng góp to lớn hơn nữa vào sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng từ nay đến năm 2020 của Văn phòng Quốc hội hướng trọng tâm vào một số nội dung cụ thể về phong trào thi đua; công tác khen thưởng và xây dựng điển hình tiên tiến.
Đại hội xác định mục tiêu thi đua là nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, tạo sức lan tỏa trong toàn cơ quan; các phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả gắn với việc tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, 75 năm Quốc hội Việt Nam và gắn với công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch đúng quy định. Nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ quan.
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các đại biểu ngoài việc tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu, cần tiếp tục đánh giá thực chất phong trào thi đua yêu nước của Văn phòng Quốc hội để thấy được những khả năng tiềm tàng, phát huy trí tuệ, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm, tận tụy của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội. Đổi mới công tác thi đua khen thưởng cả về nội dung và hình thức, phương thức chỉ đạo, bảo đảm công tác thi đua khen thưởng thực sự là những hành động cách mạng cụ thể, chống mọi biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích.
Mỗi cơ quan, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội cần chủ động, sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua với những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm được giao, tạo sự hưởng ứng rộng rãi, có sức lan tỏa nhằm động viên, cổ vũ cán bộ, công chức, viên chức, đổi mới lề lối làm việc; tận tụy, sáng tạo, khoa học, chuyên nghiệp và hiệu quả, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao./.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam / TTXVN