Vấn đề hôm nay:

Tạo đồng thuận từ “phản biện” của Nhân dân!

(NTO) Tiếp xúc với cử tri (thông qua Mặt trận tổ quốc) sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp để nhằm báo cáo trực tiếp với đại diện cử tri về kết quả của mỗi kỳ họp, giải đáp những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri đã phản ảnh với “đại biểu” của mình được đệ trình lên mỗi kỳ họp Quốc hội hay HĐND, đồng thời nghe, ghi nhận, giải đáp... những ý kiến của cử tri qua thực tiễn thực hiện các chính sách của Nhà nước.

Có thể nói, người dân chịu tác động trực tiếp từ chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản chỉ đạo, điều hành của các cấp, ngành. Nếu chính sách, văn bản sát đáng với thực tế sẽ góp phần đem lại lợi ích cho người dân, tác động kinh tế-xã hội phát triển, ngược lại thì chính người dân sẽ trực tiếp chịu “tổn thương” từ chính các chính sách... này. Cho nên, việc ý kiến cử tri phản ảnh với đại biểu tại mỗi kỳ tiếp xúc cũng chính là sự “phản biện” qua thực tiễn cuộc sống. Nếu giải quyết tốt, rốt ráo những yêu cầu, “phản biện” chính đáng của cử tri tất yếu sẽ tạo được đồng thuận cao, tạo niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước nói chung.

 
Cử tri phường Văn Hải phát biểu tại buổi tiếp xúc với các Đại biểu HĐND tỉnh vào ngày 25-6-2015.
Ảnh: Văn Miên

Thực tế tại tỉnh ta, việc lắng nghe và giải quyết “phản biện” của Nhân dân được tiến hành thường xuyên theo quy định, qua đó nhiều ý kiến, kiến nghị đã được chuyển đến cấp có thẩm quyền giải quyết một cách thỏa đáng, trách nhiệm đúng pháp luật. Những vấn đề liên quan đến các chính sách mang tầm “vĩ mô” được Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh ta “tiếp nhận” đề xuất tại các kỳ họp Quốc hội. Gần đây, qua triển khai thực hiện các chính sách và chính từ “tai mắt” của Nhân dân, một số vấn đề phản ảnh đã được UBND tỉnh tiếp nhận, chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan giải quyết. Đó là, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; tình trạng chậm triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt dẫn đến hậu quả là gây lãng phí tài nguyên đất đai tại địa phương. Thậm chí có dự án khi thu hồi đất của dân việc áp giá bồi thường, hỗ trợ... cộng lại không đủ để trả tiền đất nơi được tái định cư, chưa kể tiền làm nhà mới dẫn đến khó khăn cuộc sống người dân như Dự án K1 (khu Đông Bắc Tp. Phan Rang-Tháp Chàm). Liên quan đến đất đai, người dân xã Phước Tiến (Bác Ái) còn phản ảnh: Trong khi dân thiếu đất sản xuất thì có nhiều diện tích thu hồi của dân trước đây giao cho doanh nghiệp trồng cao su, nay cây cao su không sống được, đất bỏ hoang nên một số bà con phải “thuê” lại chính diện tích đất của mình thu hồi trước đó để sản xuất!. Nhiều ý kiến cử tri tỉnh nhà còn phản ảnh về tình trạng khi các dự án quy hoạch mặc dù chưa được công bố nhưng có cán bộ, công chức lại biết trước, “đón đầu” bằng việc đầu cơ mua đất “tích trữ” để hưởng chênh lệch sau này...!

Có thể nói những vấn đề người dân phản ảnh, kiến nghị… khó có thể giải quyết một sớm, một chiều vì liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành kể cả nguồn lực trong điều kiện tỉnh nhà còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu công khai giải thích, bàn bạc trực tiếp với người dân về những vấn đề liên quan... thiết nghĩ sẽ dễ dàng tìm ra “đáp số” đúng từ đồng thuận cao của người dân. Thế mới biết bài học về “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn trong thực tế đời sống, xã hội.