Thủ tướng: Khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu là khả thi

Những kết quả đã đạt được cho thấy nếu chúng ta tiếp tục phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu được đề ra từ đầu năm là khả thi - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ngày 31/7, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 7/2015.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành phần lớn thời gian thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 và đề xuất các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016- 2020; Báo cáo về xây dựng Chính phủ điện tử.

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đề ra

Sau khi nghe ý kiến phát biểu thảo luận của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, chúng ta không quá lạc quan nhưng từ thực tế con số đạt được, nhìn lại tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt trên hầu hết các lĩnh vực. “Từ kết quả này cho chúng ta thấy triển vọng là nếu chúng ta tiếp tục phấn đấu quyết liệt và không có gì đột biến thì khả năng đạt và vượt các chỉ tiêu được đề ra từ đầu năm là khả thi”.

Đề cập tới nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ, tinh thần chung là tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đã được đề ra từ đầu năm; mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải lựa chọn khâu trọng tâm, khâu đột phá để tập trung chỉ đạo và thực hiện với mục tiêu là phấn đấu cao nhất để đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu đã được đề ra trong đó có chỉ tiêu tổng hợp là chỉ tiêu tăng trưởng.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình với các nhiệm vụ được Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề xuất tại Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tiếp tục điều hành chính sách lãi suất, tỷ giá theo hướng linh hoạt; theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, điều chỉnh giảm lãi suất theo tín hiệu lạm phát và yêu cầu ổn định; thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa; thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát tốt nhập siêu; tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chú trọng thực hiện tốt các chính sách về việc làm, các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội…

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2015. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Về các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh, đánh giá cao Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; đề xuất các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 được xây dựng công phu, có chất lượng và qua thảo luận các thành viên Chính phủ cũng cơ bản nhất trí với các nội dung được nêu trong Báo cáo.

Thủ tướng đề nghị cơ quan chủ trì xây dựng Báo cáo tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận tại phiên họp để hoàn thiện Báo cáo theo hướng khắc phục những trùng dẫm để các Chương trình được hoàn thiện hơn; đảm bảo được cân đối ngân sách, huy động tối đa nhằm thực hiện hiệu quả 2 Chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Về xây dựng Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, qua thảo luận, các thành viên Chính phủ khẳng định sự nhất trí và quyết tâm cao trong việc đẩy mạnh thực hiện; đề nghị các thành viên Chính phủ nhất trí thông qua nội dung này để có 1 Nghị quyết về Chính phủ điện tử, đi liền với đó là có chương trình, có Chỉ thị để giao nhiệm vụ cụ thể, qua đó quyết tâm thực hiện.

“Việc thực hiện chủ chương xây dựng Chính phủ điện tử phải quyết tâm cao, kỳ này ra Nghị quyết, có Chương trình, có Chỉ thị rồi thì chúng ta cố gắng chỉ đạo, triển khai thực hiện để thực sự có chuyển biến mạnh mẽ trong việc này, đây là một cải cách hết sức quyết định”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Thủ tướng cũng lưu ý các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với các tổ chức của Liên Hợp Quốc trong cung cấp các số liệu liên quan đến các chỉ số đánh giá xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, đảm bảo cho sự đánh giá này là chính xác, khách quan.

Ngoài ra, tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng trao đổi ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của các Bộ trưởng liên quan đến việc điều chỉnh mục tiêu về phân loại rừng; các chính sách bảo vệ rừng, giữ rừng phòng hộ; các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đối ứng đối, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển du lịch…

Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và quốc tế, trong đó khẳng định tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2015 tiếp tục có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; kinh tế vĩ mô ổn định hơn; lạm phát được điều hành theo mục tiêu và được duy trì ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế tiếp tục đà phục hồi nhờ tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo, đặc biệt là những cải thiện về tổng cầu và sức mua của thị trường trong nước và xuất khẩu; ở ngoài nước, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng phục hồi… Đây là những điều kiện, tiền đề hết sức căn bản, góp phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Bên cạnh việc khẳng định các điều kiện thuận lợi, tiềm năng, cơ hội, lợi thế cho thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước còn rất lớn, các thành viên Chính phủ cũng chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, cũng như các khó khăn nội tại của nền kinh tế cần phải hết sức quan tâm ứng phó, khắc phục, trong đó có khó khăn của khu vực nông nghiệp và thủy sản do thiên tai, hạn hán, mưa lũ; sự sụt giảm về giá, về thị trường nông sản; xuất khẩu tăng nhưng thấp hơn cùng kỳ; sự khó khăn của một bộ phận doanh nghiệp, của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, hạn hán.

Từ sự phân tích, đánh giá đa chiều về tình hình trong nước và quốc tế; trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát và duy trì ở mức thấp… các thành viên Chính phủ đề xuất cần tiếp tục dành ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh để thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo thực hiện được và vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2015 với các giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn. Theo đó, cần chú trọng hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu; quan tâm tới các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, kinh doanh để nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, sản phẩm, của nền kinh tế; kiểm soát tốt nhập khẩu phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế; thúc đẩy liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; tận dụng tối đa các cơ hội mà các Hiệp định thương mại tự do mang lại…

Thừa nhận một số khó khăn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát bày tỏ: “Vấn đề ở đây vẫn là thị trường, vẫn là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang phối hợp hết sức chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương nhằm tìm các giải pháp hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường cho nông lâm thủy sản”. Đồng thời, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, Bộ cũng đang rất quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp với những giải pháp căn cơ nhằm đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững của ngành nông nghiệp.

Cho biết một số nét chính trong hoạt động của ngành Giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đề xuất cần tăng cường hơn nữa các biện pháp quản lý thu chi ngân sách nhà nước cũng như đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư đối với các dự án trọng điểm.

Việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử; việc thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, chính sách việc làm, tạo thu nhập cho người lao động; hỗ trợ kịp thời người dân nghèo, người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng chịu thiên tai, hạn hán; nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, tăng cường công tác y tế dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… cũng là những nội dung được nhiều ý kiến thành viên Chính phủ đề cập tại phiên họp.

Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã nghe vào thảo luận Báo cáo về biện pháp và tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container khu vực cảng biển nước sâu Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi); dự án Luật Dược (sửa đổi)...

Nguồn www.chinhphu.vn