Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia, mỗi thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có một giấy dùng để xét tuyển NV 1 và ba giấy dùng để xét NV bổ sung. Mỗi phiếu xét tuyển có thể đăng ký tối đa 4 ngành của cùng một trường theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4.
Chiều 28-7, Bộ GD&ĐT đã công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH năm 2015 là 15,0 điểm, CĐ là 12,0 điểm đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn thi (không nhân hệ số môn chính). Căn cứ ngưỡng điểm này, từ ngày 1 đến 20-8, các trường ĐH, CĐ trong cả nước bắt đầu công bố điều kiện, tiếp nhận hồ sơ xét tuyển NV 1 của thí sinh vào các ngành của trường.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An tìm hiểu thông tin tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng.
Có mặt tại Sở GD&ĐT vào ngày 30-7, chúng tôi ghi nhận không khí nhộn nhịp, xen lẫn sự hồi hộp, lo lắng trên từng nét mặt của cả thí sinh và phụ huynh khi tới nhận Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để làm hồ sơ đăng ký xét tuyển NV 1 vào các trường ĐH, CĐ trong cả nước. Cầm Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia với số điểm các môn khối B là 18 điểm, em Nguyễn Văn Được (học sinh Trường THPT Phan Bội Châu, huyện Thuận Bắc) khá tự tin khi quyết định nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Em Được chia sẻ: Ngay khi kỳ thi THPT quốc gia kết thúc, em đã tìm hiểu khá kỹ về quy chế tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. Vì vậy, khi biết mình được 18 điểm, em đã khẩn trương làm hồ sơ xét tuyển NV 1 vào ngành Trồng trọt của Trường ĐH Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, phân hiệu Ninh Thuận. Với điểm thi là 18, em nghĩ lựa chọn của mình là đúng. Em mong mình sẽ đỗ vào trường để được học gần nhà. Không tự tin như Được, em Lưu Thị Yến Nhi (thí sinh tự do, ở xã Nhơn Hải, Ninh Hải) lại rất băn khoăn cho việc lựa chọn trường và ngành học của mình. Yến Nhi tâm sự: Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, mặc dù đạt điểm các môn khối C tương đối cao là 22,5 điểm, nhưng vì không biết có bao nhiêu bạn đăng ký cùng ngành, cùng trường với mình nên em rất lo lắng. Để “chắc suất” ĐH năm nay, em cần thêm thời gian để tìm hiểu kỹ thông tin về khả năng thu hút thí sinh của các ngành, các trường ĐH, CĐ của các năm trước rồi mới đưa ra quyết định phù hợp.
Không chỉ thí sinh, những ngày này, nhiều phụ huynh cũng hết sức lo lắng cho tương lai của con em mình. Trong tâm trạng băn khoăn xen lẫn hồi hộp khi đưa con đến nhận Giấy chứng nhận kết quả thi tại Sở GD&ĐT, chị Lê Thị Thiện, phụ huynh em Nguyễn Thị Tâm (học sinh Trường THPT Lê Duẩn, Ninh Sơn), chia sẻ: Cả tháng nay, mẹ con tôi lo lắng không yên. Kết thúc kỳ thi, tôi mong con đậu tốt nghiệp THPT. Sau khi đỗ tốt nghiệp THPT, hai mẹ con lại lo kiếm trường vừa tầm với số điểm của cháu. Cháu nhà tôi thi được số điểm không cao, việc lựa chọn trường khó hơn những bạn khác nên tôi động viên cháu tìm hiểu thông tin thật kỹ, lựa chọn trường phù hợp để bước đường vào ĐH rộng mở hơn.
Là năm tuyển sinh ĐH, CĐ đầu tiên áp dụng quy chế mới nên việc thí sinh và phụ huynh lo lắng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo quy chế của Bộ GD&ĐT, trong thời gian quy định của đợt xét tuyển NV 1, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Nếu không trúng tuyển NV 1, thí sinh dùng ba bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xét NV bổ sung tối đa vào 3 trường khác nhau ở mỗi đợt xét tuyển. Trong mỗi đợt xét tuyển NV bổ sung, thí sinh được phép đăng ký 4 ngành khác nhau vào cùng một trường ĐH, CĐ. Như vậy, so với các năm trước, việc xét tuyển NV bổ sung năm 2015 đã tăng cơ hội vào ĐH, CĐ rất nhiều cho thí sinh. Tuy vậy, để đạt được ngành học và trường ĐH, CĐ như mong muốn, tránh những bất tiện có thể gặp phải khi rút hồ sơ và sự thu hẹp về chỉ tiêu, số lượng trường, ngành học cho NV bổ sung, ngay từ khi đăng ký xét tuyển NV 1, các em cần nghiên cứu và có sự lựa chọn thật kỹ càng.
Phạm Lâm- Mỹ Dung