Theo đó, thời điểm nhận hồ sơ nguyện vọng 1 từ 1/8 đến 20/8. Nhiều trường cho biết sẽ công bố điểm trúng tuyển ngay sau ngày nộp hồ sơ cuối cùng.
Nhiều trường nhận hồ sơ bằng ngưỡng tối thiểu
Trường ĐH Công nghiệp TP HCM vừa công khai thông tin xét tuyển nguyện vọng 1 với tổng chỉ tiêu 7.200 đại học và 252 cao đẳng. Đối tượng đăng ký xét tuyển vào thí sinh đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại cụm thi do trường đại học chủ trì, có tổng điểm xét tuyển (đã cộng điểm ưu tiên khu vực, điểm ưu tiên diện chính sách với tổng điểm 3 môn thi trong tổ hợp môn xin xét tuyển) lớn hơn hoặc bằng ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của Bộ GD&ĐT.
Theo thông báo của Trường ĐH Thủy Lợi xét tuyển nguyện vọng 1, trường xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường đại học tổ chức.
Để nộp hồ sơ, thí sinh phải tối thiểu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT; thí sinh tốt nghiệp THPT có điểm trung bình các năm học THPT đạt từ 5,5 trở lên;
Tổ hợp môn xét tuyển: Khối A (Toán học, Vật lý, Hóa học) hoặc Khối A1 (Toán học, Vật lý, Tiếng Anh), các môn tính hệ số 1.
Đối với thí sinh khối A1 nếu có chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế hoặc là thành viên của đội tuyển quốc gia môn Tiếng Anh được công nhận kết quả tương đương theo quyết định của Nhà trường.
Trường sẽ có điểm chuẩn vào trường học tại Hà nội (TLA) và học tại Cơ sở 2, TP Hồ Chí Minh (TLS); có điểm chuẩn xét chuyển TLA về TLS; điểm xét tuyển theo ngành.
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm nay thực hiện 2 phương thức tuyển sinh. Phương thức 1: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 10,11,12.
Cụ thể, xét kết quả kỳ thi THPT quốc gia là điểm trung bình cộng 3 môn thi (theo từng tổ hợp môn xét tuyển) đạt ngưỡng tối thiểu theo quy định của Bộ GD&ĐT đối với những thí sinh thi tại cụm thi do các trường đại học chủ trì.
Trường sẽ xét từ cao xuống thấp tất cả các ngành trên cơ sở mức điểm tối thiểu Bộ GD&ĐT công bố và căn cứ vào số lượng hồ sơ học sinh nộp nhằm đảm bảo bằng mức tối thiểu của Bộ trở lên.
Trường ĐH Hoa Sen năm nay tuyển sinh theo 5 phương thức, trong đó, phương thức đầu tiên là xét tuyển trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Với phương thức này, yêu cầu thí sinh phải đạt điều kiện sơ tuyển và tổng điểm của 3 môn xét tuyển theo kết quả của kỳ thi THPT quốc gia đạt mức tối thiểu đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Phương thức dành cho tất cả các ngành bậc đại học (trừ 3 ngành Thiết kế thời trang, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất thuộc nhóm ngành Mỹ thuật ứng dụng) và bậc cao đẳng.
Năm 2015, Trường ĐH Trà Vinh tuyển sinh 9 nhóm ngành thuộc lĩnh vực Nông nghiệp Thủy sản, Kỹ thuật công nghệ, Khoa học sức khỏe, Ngoại ngữ, Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Kinh tế - Luật, Hóa học ứng dụng, Sư phạm, Quản trị Văn phòng - Việt Nam học - Thư viện.
Theo đề án tuyển sinh được Bộ GD&ĐT, năm 2015, Trường tuyển sinh theo hai phương thức: Phương thức 1, xét tuyển căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia do các trường ĐH chủ trì, đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định.
Phương thức 2: Xét tuyển tốt nghiệp THPT và tương đương. Cụ thể, bậc ĐH, điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển (trong tổ hợp môn) ở năm học lớp 12 hoặc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức không nhỏ hơn 6,0.
Bậc CĐ: Điểm trung bình chung của các môn học dùng để xét tuyển (trong tổ hợp môn) ở cả năm học lớp 12 hoặc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT do Sở GD&ĐT tổ chức không nhỏ hơn 5,5.
Không bắt buộc phải chọn tối đa 4 ngành trong NV1
Trường ĐH Vinh công bố 5 đợt xét tuyển. Theo đó, xét tuyển NV1 từ ngày 1 đến 20/8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25/8);
Xét tuyển NV bổ sung đợt 1 từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/9);
Xét tuyển NV bổ sung đợt 2 từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10/10);
Xét tuyển NV bổ sung đợt 3 từ ngày 10 đến hết ngày 25/10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 31/10);
Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ) từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/11).
Thí sinh sau khi thi xong sẽ được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có 1 giấy NV1 và 3 giấy còn lại là nguyện vọng bổ sung, nhưng lưu ý chỉ khi nào trượt NV1 mới được 3 giấy còn lại.
Đối với xét nguyện vọng 1 xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường. Mỗi giấy có thể đăng kí xét tuyển vào tối đa 4 ngành của một trường hoặc 4 khối của cùng 1 ngành nếu ngành đó có xét tuyển nhiều khối.
Thí sinh khi xét vào một trường phải đánh số thứ tự 4 quyền của mình với 4 mức ưu tiên từ 1 đến 4. Tức là khi trúng tuyển ngành ưu tiên 1 sẽ không xét tới ngành ưu tiên 2, còn ngược lại nếu ưu tiên 1 không trúng thì được xét tiếp ưu tiên 2 tương tự các mức ưu tiên khác.
Trường cũng lưu ý, dù NV1 hay các nguyện vọng bổ sung thì không bắt buộc học sinh phải chọn tối đa 4 ngành (việc chọn bao nhiêu ngành tùy thuộc học sinh.)
Đối với xét NV bổ sung (Từ NV2 trở đi), khác với việc đăng kí xét tuyển NV1, khi đăng kí xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh có thể đồng thời sử dụng cả ba giấy xác nhận kết quả thi để đăng kí cùng lúc vào 3 trường khác nhau. Trong mỗi trường này có thể đăng kí tối đa 4 ngành khác nhau.
Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại